Ai cũng muốn nhận được lời khen ngợi, nhưng cũng nên bình tĩnh chấp nhận lời phê bình, góp ý của mọi người. Việc này sẽ giúp cho bạn có thể cải thiện được khuyết điểm, dễ dàng thành công hơn trong công việc, cuộc sống.
Con gái tôi rất thích nghe người khác ngợi khen. Vi viết văn rất hay, chữ viết cũng rất đẹp nên con bé thường thích nghe những lời tán thưởng về hai phương diện này. Lần nọ, một người bạn cùng lớp sau khi đọc bài văn của Vi đã nói: “Bài văn của cậu đọc qua thì có vẻ hay, nhưng lại đem đến cho người khác một cảm giác hơi gượng ép”.
Vừa nghe bạn nhận xét, Vi đã bực mình nói lại: “Ai bảo văn tớ viết không hay? Cậu viết chưa chắc đã bằng tớ, dựa vào đâu mà cậu nói thế?” Sau khi về nhà, con bé kể lại câu chuyện này cho tôi và bực bội nhận xét: “Chắc chắn cậu ấy đố kị với tài năng của con nên mới nói vậy!”
Nhìn thái độ của con, tôi đã nói: “Con không nên bực bội. Chúng ta nên bình tĩnh đối mặt với những lời phê bình, dù đó là lời phê bình mang tính xây dựng hay là ác ý.” Khi người khác đưa ra ý kiến, chúng ta nên bình tĩnh lắng nghe, không nên vội vàng phản bác, càng không nên công kích.
Nếu ý kiến của người khác thực sự tốt hơn, hay thực sự đã chỉ ra điểm yếu của bản thân, nên cố gắng tìm cách khắc phục. Nếu đối phương đưa ra những lời phê bình ác ý, chúng ta có thể mỉm cười và coi đó như một điều tầm thường, không nên quá để tâm, càng không nên ghi nhớ trong lòng.
Mọi người đều thích nghe những lời khen, đặc biệt là con gái, chỉ cần một lời khen của người đối diện cũng có thể khiến chúng vui cả ngày. Còn những ý kiến phê bình không phải ai cũng biết cách chấp nhận. Một số bạn nữ khi nhận được ý kiến nhận xét của người khác, hoặc là lập tức phản bác, hoặc là hoàn toàn không để ý, có trường hợp còn khóc lóc như thể bản thân đã phải chịu nỗi thiệt thòi lớn.
Con gái không những thích được khen ngợi, mà còn mong muốn luôn luôn được mọi người thương yêu, chiều chuộng. Trong bộ phim hài “Sư tử Hà Đông”, diễn viên Trương Bá Chi đã có một đoạn hội thoại với Cổ Thiên Lạc như thế này:
“Từ bây giờ, chàng chỉ được tốt với một mình thiếp, phải chiều thiếp, không được lừa dối thiếp, những chuyện đã đồng ý với thiếp phải thực hiện, khi người khác bắt nạt thiếp, chàng phải là người đầu tiên ra mặt can thiệp, khi thiếp vui, chàng phải vui cùng, khi thiếp buồn chàng phải làm thiếp vui, luôn cảm thấy thiếp là người đẹp nhất, trong mơ cũng phải mơ thấy thiếp, trong tim chỉ có một mình thiếp…”
Đoạn hội thoại này đã được nhiều bạn nữ coi là “tiêu chuẩn” tìm bạn trai của mình. Tuy nhiên, đó chỉ là sự hài hước trên phim ảnh, trên thực tế hiếm có người con trai nào đáp ứng được tất cả điều kiện trên. Chúng ta chỉ cần gặp được người bao dung độ lượng, nói cách khác là một người luôn quan tâm và đưa ra những ý kiến đóng góp mang tính xây dựng thì đó đã là điều may mắn.
Ai cũng thích nghe những lời khen ngợi, còn “sự thật mất lòng”, muốn nói ra sự thật chắc chắn phải cần có sự can đảm nhất định. Người đưa ra những lời nhận xét chân thành thường rất dễ bị người khác hiểu lầm và xa lánh.
Nếu chúng ta không thực sự quan tâm, chắc chắn sẽ bỏ qua những người bạn tốt thực sự. Những lời tán thưởng chân thành thường khiến con người cảm thấy vui vẻ, còn những lời nhận xét góp ý chân thành lại là điều kiện không thể thiếu giúp người phụ nữ đạt được thành công.
Không ai là người hoàn hảo, ai cũng có lúc phạm sai lầm, ai cũng có khuyết điểm, nếu bên cạnh chúng ta luôn có người nhắc nhở, đóng góp ý kiến khi chúng ta làm sai thì đó là một điều may mắn. Khi người khác đưa ra ý kiến đóng góp, chúng ta nên nghĩ rằng: thứ nhất, người đó quan tâm và luôn mong muốn bạn tiến bộ nên mới góp ý.
Hãy nhìn lại quãng đường đã trải qua, bạn sẽ nhận ra rằng chúng ta thường nghiêm khắc với những người thân thiết nhất và luôn xuề xòa với người bình thường. Chúng ta thường đưa ra lời phê bình và ý kiến đóng góp là để người khác tiến bộ hơn chứ không phải chê bai hay chọc phá họ.
Những người không hi vọng bạn tiến bộ, không quan tâm đến tương lai của bạn thì sẽ không bao giờ đưa ra ý kiến đóng góp, mà thường dùng những lời khen ngọt ngào khiến bạn sai lầm hơn; thứ hai, có phê bình tức là có tiến bộ.
Tại sao lại như vậy? Trong thời đại hiện nay, thời gian chính là vàng bạc. Trong quá trình làm việc, chúng ta có thể không may phạm phải sai lầm ở một bước nào đó, nếu không có người kịp thời phát hiện và nhắc nhở, chắc chắn chúng ta sẽ lãng phí rất nhiều thời gian. Phê bình càng sớm, cơ hội sửa chữa càng cao, cơ hội thành công càng lớn.
Để lại một bình luận