Đứng trước tâm lí này của con gái, các bà mẹ không cần quá lo lắng, mà nên hiểu rằng, đây là giai đoạn mà bất cứ thiếu nữ nào bước vào tuổi dậy thì đều phải trải qua. Muốn khắc phục trạng thái tâm lí tự cô lập của trẻ, chúng ta có thể tham khảo một trong những phương pháp dưới đây:
1. Phương pháp tâm lí ám thị
Tò mò, trí tưởng tượng phong phú, có khả năng chấp nhận những khái niệm đa chiều là những đặc tính của nữ giới, vì vậy muốn thay đổi quan niệm của các thiếu nữ vị thành niên hoàn toàn không khó. Tâm lí ám thị có thể giúp trẻ khắc phục khó khăn trong quá trình học tập hay cảm giác tự ti.
Ví dụ, vào một ngày đẹp trời, mẹ có thể rủ con gái đi dạo, ngồi trên bãi cỏ xanh mướt ngắm nhìn bầu trời, hít thở không khí trong lành, nghe những bản nhạc nhẹ nhàng và cùng tưởng tượng về những điều tốt đẹp, những giấc mơ mà bản thân chưa thực hiện được, tưởng tượng ra một tương lai tươi sáng, sự đẹp đẽ của cuộc đời. Lúc này, con sẽ cảm thấy thoải mái, cảm giác cô độc sẽ được giảm bớt phần nào.
2. Cùng con chia sẻ cảm xúc
Mỗi ngày, mẹ hãy dành một chút thời gian tâm sự với con, ví dụ có thể chọn khoảng thời gian sau bữa tối để cùng con đi dạo, khuyến khích con nói ra những khó khăn áp lực trong cuộc sống, sau đó cùng con phân tích và tìm hướng giải quyết tốt nhất.
Điều quan trọng nhất là cần giúp con hiểu rằng, khó khăn không phải là điều quá đáng sợ, chỉ cần chia sẻ, mọi vấn đề đều sẽ có hướng giải quyết.
3. Mẹ nên là chỗ dựa vững chắc cho con
Rất nhiều bà mẹ luôn muốn con trở thành một người phụ nữ kiên cường, không được khóc lóc. Thực ra, khóc cũng là một cách giải tỏa áp lực rất có hiệu quả. Nếu con muốn khóc, mẹ nên là bờ vai vững chắc cho con.
Y học hiện đại đã chứng minh, khóc có tác dụng làm giảm áp lực và sự cô độc. Các chuyên gia tâm lí đã tiến hành thí nghiệm, chia những người tham gia thí nghiệm thành hai nhóm, nhóm A có huyết áp bình thường, nhóm B có huyết áp cao, sau đó tiến hành điều tra phỏng vấn xem họ đã từng khóc chưa.
Kết quả, 87% người có huyết áp bình thường trả lời thỉnh thoảng có khóc, còn đa số những người huyết áp cao đều trả lời chưa từng rơi nước mắt. Khóc có thể giúp con giải tỏa áp lực và nỗi buồn, vì vậy khi cần thiết nên khuyến khích con bộc lộ cảm xúc thật của mình.
4. Đọc sách cùng con
Một danh nhân đã từng nói: “Sách là thế giới của tri thức”. Khi chìm vào thế giới phong phú của tri thức, mọi ưu phiền và buồn bực trong cuộc sống đều có thể được hóa giải. Đọc sách có thể giúp trẻ mở rộng kiến thức, phát triển tâm lí lành mạnh, tăng sự tự tin, giảm áp lực và cảm giác cô đơn.
Mẹ cũng có thể đọc sách cùng con để sẻ chia những cảm xúc và kinh nghiệm trong cuộc sống.
5. Cùng con ngắm cá
Các nghiên cứu tâm lí chứng minh, ngắm cá bơi lội có tác dụng giảm áp lực và buồn phiền, vì vậy cha mẹ hoàn toàn có thể cân nhắc việc đặt một bể cá trong nhà. Khi gặp chuyện buồn hay quá áp lực, mẹ có thể khuyên con tĩnh tâm, ngắm nhìn đàn cá bơi tung tăng trong bể để xua đuổi cảm xúc tiêu cực.
Thực ra, giao lưu với trẻ vị thành niên không khó như chúng ta tưởng, điều quan trọng nhất là sự kiên nhẫn. Chỉ khi hiểu suy nghĩ và tính cách của con, cha mẹ mới có thể giúp trẻ khắc phục những trạng thái tâm lí không tốt, giảm áp lực và buồn phiền, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Để lại một bình luận