Con gái thường nhạy cảm, chỉ những chuyện nhỏ nhặt cũng đủ để chúng cảm thấy mình bị xa lánh và tách biệt khỏi tập thể. Khi đó, cha mẹ nên giúp con suy nghĩ có phải bản thân con không muốn tiếp nhận người khác không?
Một nữ sinh trung học đã đến trung tâm tâm sự với tôi, cô bé đang rất buồn và lo lắng. Em vốn là học sinh của một trường trung học cơ sở bình thường, lên cấp ba thì thi được vào một trường chuyên nổi tiếng. Sau ngày khai giảng, em cảm thấy mình không thể hòa nhập với bạn bè, luôn cảm thấy mình như một người lạc lõng, xa lạ, bạn bè cũng không nhiệt tình với em.
Em nhận thấy tâm trạng mình rất mâu thuẫn, lúc thì muốn né tránh, khi lại muốn hòa nhập, dần dần nữ sinh này trở nên tách biệt với tập thể lớp. Cô bé luôn tự hỏi: vấn đề này là do mình hay các bạn? Nguyên nhân khiến cô bé có tâm lí trên là do tự ti.
Những học sinh học ở trường thường, khi thi vào trường chuyên thường nghĩ rằng, mình không bằng các bạn đã học trường chuyên, từ đó tạo cho mình một lớp vỏ bọc tách biệt với bạn bè. Nữ sinh trên không phải là trường hợp cá biệt.
Nếu con quá lo lắng vì không thể hòa nhập, muốn tìm mọi cách để lập tức thay đổi tình trạng này thì chứng tỏ kĩ năng giao tiếp của con chưa tốt, nguyên nhân chủ yếu là do tự ti và ái kỷ. Tự ti là một trạng thái tâm lí lo lắng, luôn cảm thấy người khác coi thường mình, bản thân luôn không bằng người khác, thiếu tự tin.
Những bạn nữ tự ti thường không thể đánh giá bản thân một cách khách quan, do đó hay có tâm lí né tránh và đề phòng người khác. Quá tự ti sẽ dẫn tới chứng bệnh nguy hiểm hơn, đó là chứng ái kỷ. Ái kỷ là một loại bệnh trở ngại tâm lí, người bệnh thường có các biểu hiện như coi mình là trung tâm, tự tách mình khỏi mọi ảnh hưởng của môi trường bên ngoài, nghiêm trọng hơn có thể dẫn tới hiện tượng tự cô lập.
Tự ti và ái kỷ có một đặc điểm chung, đó là người bệnh đều tự khép mình trong thế giới riêng, hạn chế giao tiếp với người xung quanh, đồng thời dần dần cũng đánh mất bản thân. Tự ti và ái kỷ đều xuất phát từ áp lực quá lớn mà người bệnh phải chịu đựng, nguyên nhân hình thành áp lực là do luôn theo đuổi sự hoàn mĩ, quá khát khao thành công.
Cây con chưa thể kết quả ngọt, hoa chưa nở chưa thể có mật, con người cũng vậy, mỗi giai đoạn đều có đặc trưng về tâm sinh lí riêng. Nếu quá trưởng thành hoặc quá trẻ con đều ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển tâm lí của trẻ.
Các chuyên gia tâm lí cho biết, giao tiếp phụ thuộc vào ba yếu tố: nhu cầu tình cảm của bản thân, nhu cầu tình cảm của người khác và các nguyên tắc xã hội. Khi ba yếu tố trên được kết hợp nhuần nhuyễn, các trở ngại trong giao tiếp sẽ được xóa bỏ. Mẹ có thể đưa ra một số phương pháp dưới đây để con tham khảo và trở nên hòa đồng hơn:
(1) Đánh giả bản thân một cách khách quan, luôn nhìn về mặt tích cực, học cách thể hiện tình cảm một cách đúng đắn nhất.
(2) Biết cách nhìn nhận và tán thưởng người xung quanh, lắng nghe để hiểu được tư tưởng tình cảm của mọi người, chủ động giao lưu kết bạn.
(3) Tôn trọng người khác. Nghiêm túc lắng nghe, không nói leo hay ngắt lời đối phương, tôn trọng cá tính, sở thích, tín ngưỡng, thói quen… của người khác.
(4) Tôn trọng quy định chung của tập thể, ví dụ tôn trọng nội quy nhà trường, nơi công tác, quy tắc trò chơi, học cách hợp tác với người khác. Nếu con gái có thể mở rộng lòng mình, có thái độ sống tích cực, nhận thức bản thân một cách khách quan, hòa nhập vào cộng đồng thì cuộc sống chắc chắn sẽ trở nên vô cùng phong phú và vui vẻ.
Để lại một bình luận