Trong cuộc sống ai cũng mắc phải những sai lầm. Nhưng nếu bạn muốn góp ý hay trách cứ họ thì hãy dùng những từ ngữ nhẹ nhàng, từ tốn. Như vậy sẽ không làm họ cảm thấy tổn thương lòng tự trọng, như vậy ở những lần tiếp theo họ sẽ thay đổi theo hướng tích cực hơn.
Một lần, con gái tôi rủ một nhóm bạn về nhà cùng nấu ăn, trong đó có một cậu bạn tên Văn. Văn thường nói mình xào rau rất giỏi, vì thế mọi người tin tưởng giao cho cậu phụ trách món rau xào. Ai ngờ, Văn có biết xào rau nhưng kĩ năng chưa thành thạo, cậu quên bỏ muối, lại không nêm mì chính khiến món rau gần như không có mùi vị.
Thấy vậy, Vi cáu gắt, nói: “Cậu chỉ được cái huênh hoang là giỏi, xào rau cái quái gì, bây giờ kế hoạch của chúng ta đều bị cậu làm rối hết cả lên rồi đây này, cậu ra ngoài tự kiểm điểm lại đi”. Nghe con gái nói vậy, tôi cảm thấy vô cùng lo lắng.
Khi các bạn đã ra về, tôi nhẹ nhàng nói với con: “Dù bạn ấy có sai thế nào đi nữa, con cũng không nên nặng lời phê bình bạn trước đông người như vậy, con sẽ khiến bạn cảm thấy khó xử, biết không? Phê bình đúng cách chắc chắn sẽ có hiệu quả hơn chỉ trích nặng lời”.
Vi hỏi lại tôi, nếu người khác làm sai, chúng ta nên ứng xử như thế nào? Tôi trả lời, nếu người khác làm sai, chúng ta có thể phê bình, nhưng phê bình phải đúng cách và đúng mức độ. Ví dụ, trước khi phê bình nên cho họ cơ hội giải thích bởi có thể họ không cố ý phạm lỗi hoặc động cơ đúng đắn nhưng phương pháp thực hiện còn thiếu sót…
Chúng ta cũng có thể bắt đầu từ việc khẳng định mặt tích cực, sau đó mới tiến hành góp ý, như vậy họ sẽ dễ chấp nhận hơn. Khi nhận được sự công nhận của người khác, họ sẽ cảm thấy thoải mái, nên mới suy nghĩ một cách bình tĩnh và kĩ lưỡng hơn.
Một người khi phạm sai lầm thường có tâm lí tự lập một hàng rào bảo vệ lòng tự trọng. Nếu chúng ta thẳng thắn phê bình, chắc chắn sẽ phản tác dụng, vì vậy khi góp ý cần tránh làm tổn thương lòng tự trọng của họ, nên dùng thái độ chân thành, nói chuyện một cách bình tĩnh, không có ý châm chọc hay khích bác khiến họ thấy khó chịu.
Cũng không nên bới móc nhược điểm của họ để chê bai mà nên góp ý chân thành, giúp họ sửa chữa. Phê bình đúng cách có tác dụng thúc đẩy mối quan hệ bạn bè. Chúng ta có thể tham khảo một trong những cách phê bình dưới đây:
1. Phê bình một cách tế nhị
Phê bình không phải dùng lời nói sắc bén là được mà nên chú ý áp dụng những biện pháp thích hợp. Trong giờ văn, giáo viên gọi một bạn nam đứng dậy đọc bài khóa. Học sinh này đọc khá nhỏ, nhưng cô giáo vẫn không ngắt lời.
Khi đọc xong đoạn văn, cô ra hiệu cho bạn ngồi xuống và nói: “Bạn đã đọc bài khóa rất tốt. Từ giọng đọc của bạn, chúng ta có thể cảm nhận được chiến sĩ cộng sản trong tác phẩm bị thương nặng đến mức nào. Chỉ có điều nếu những phần khác bạn đọc to và rõ ràng thì tác phẩm sẽ được truyền tải đến người nghe một cách hoàn chỉnh hơn”.
Đây là một lời nhận xét khá đặc biệt nhưng rất có hiệu quả. Từ đó về sau, mỗi lần được gọi đọc bài khóa, học sinh này đều đọc rất to và rõ ràng. Cách phê bình nhẹ nhàng đã phát huy tác dụng tối đa.
2. Phê bình ẩn dụ
Khi phê bình người khác, chúng ta có thể áp dụng cách phê bình như vậy. Ví dụ khi bắt gặp hai nam sinh đang hút thuốc, thầy giáo đã không phê bình ngay. Trong giờ sinh hoạt, thầy kể cho cả lớp nghe một câu chuyện cười:
“Hôm nay thầy muốn kể cho các em nghe một câu chuyện cười về tác dụng của thuốc lá. Thứ nhất, hút thuốc có tác dụng chống trộm, hút thuốc khiến con người bị ho, buổi tối nếu ho không ngừng, chắc chắn trộm sẽ không dám mò vào.
Thứ hai, hút thuốc giúp con người trẻ mãi không già, hút thuốc nhiều, tuổi thọ giảm, như vậy chúng ta sẽ mãi mãi không phải lo lắng về tuổi già”.
Câu chuyện đơn giản nhưng đã khiến hai học sinh hiểu được tác hại của thuốc lá và dụng ý của thầy giáo. Từ đó về sau, hai học sinh nọ không bao giờ động tới thuốc lá nữa.
Ngoài ra, chúng ta có thể kể tới vô số cách phê bình khác nhau như phê bình trực tiếp, phê bình gián tiếp…Nhưng trên hết, phê bình cần đúng cách và đúng thời điểm mới có hiệu quả.
Để lại một bình luận