Trẻ trong độ tuổi dậy thì luôn muốn thể hiện mình trước đám đông. Vì bé muốn được mọi người chú ý, quan tâm và tán thưởng.
Con gái tôi từng đặc biệt thích thể hiện mình. Một lần tôi đưa con đến nhà bạn tôi chơi, con gái bạn tôi chơi một bản nhạc rất hay và được mọi người tán thưởng, Vi đứng bên cạnh nói: “Như vậy có gì khó đâu, con cũng làm được!”
Lần khác, khi đi leo núi, một người bạn của Vi đi đôi giày thể thao rất đẹp và đắt tiền, mọi người đều trầm trồ ngưỡng mộ, riêng con bé đứng một bên nói: “Leo núi mà đi giày mới, đúng là đồ dở hơi!” Nhiều lúc, tôi khen ngợi ưu điểm hay tài năng của những đứa trẻ khác, con bé luôn thể hiện mình cũng có thể làm được.
Mọi người đều cho rằng đó là do con bé đố kị, nhưng tôi biết, đó chỉ là biểu hiện tâm lí thích thể hiện của tuổi dậy thì. Thích thể hiện là “căn bệnh” chung của trẻ tuổi dậy thì. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ cũng không cần quá lo lắng, cũng không nên ức chế nhu cầu muốn thể hiện của trẻ, bởi làm như vậy sẽ khiến chúng hình thành tâm lí phản kháng.
Việc chúng ta cần làm là hướng dẫn trẻ thể hiện đúng lúc và đúng cách, tạo cơ hội cho trẻ được thể hiện, tránh việc chúng không nhìn thấy ưu điểm của người khác, chỉ tự kiêu vì ưu điểm của mình. Một cái cây nếu uốn nắn quá độ sẽ không thể mọc thẳng, nếu không uốn nắn để phát triển tự do cũng khó có thể kiểm soát khống chế và uốn nắn ở mức độ thích hợp là cách làm đúng đắn nhất
Ở tuổi dậy thì, trẻ thường thích thể hiện mình hơn bạn bè và người khác. Nếu để ý, chúng ta sẽ phát hiện những trẻ cùng lứa tuổi khi tụ tập thường bàn tán những chủ đề như quần áo, tài năng, trình độ, sở thích…, những lúc như vậy, nhiều trẻ vị thành niên có tâm lí sĩ diện, thích thể hiện mình, đó là điều hết sức bình thường.
Khi người lớn khen ngợi những đứa trẻ khác trước mặt chúng, trẻ thường lập tức muốn thể hiện bản thân để chứng minh mình cũng không thua kém người khác. Cha mẹ cũng đã từng trải qua giai đoạn tương tự; vì vậy, nên thông cảm và hướng dẫn trẻ.
Những người làm cha làm mẹ như chúng ta, hầu như đều được sinh ra trong những gia đình có đông anh chị em. Khi cha mẹ chúng ta đặc biệt hay khen ngợi một đứa con nào đó, những đứa còn lại cũng cảm thấy rất bất bình.
Chúng ta cũng sẽ tìm mọi cơ hội để chứng tỏ bản thân không hề thua chị kém em. Tuy hiện nay, đa số trẻ vị thành niên đều sinh ra trong những gia đình ít con, thậm chí còn là con một, nhưng ham muốn cạnh tranh này cũng không hề mất đi, rốt cuộc, đó vẫn là một trạng thái tâm lí điển hình của tuổi dậy thì.
Trong độ tuổi này, đa số các bạn nữ đều có chung tâm lí muốn thể hiện mình cao hơn chúng bạn một bậc, nhưng trong nhiều trường hợp, những nguyện vọng, tài năng chúng mong muốn có được lại không thể trở thành hiện thực, khi đó nhiều bạn thường dùng các cách làm tiêu cực như nói dối, nói khoác… để thu hút sự chú ý của người khác.
Để lại một bình luận