Contents
- 1 Cháo lá sen, nhị hoa
- 2 Cháo ý dĩ, hạt sen
- 3 Cháo hạch đào, mè (vừng)
- 4 Cháo bắp, đậu ván
- 5 Cháo đậu ván, trần bì
- 6 Cháo long nhãn, hạt sen
- 7 Cháo long nhãn bát ngọc
- 8 Cháo trân châu mẫu, cẩu kỷ
- 9 Cháo gạo nếp, ngân nhĩ
- 10 Cháo ngũ vị
Bạn muốn bổ sung nhiều chất dinh dưỡng cho cơ thể nhưng lại đã chán ăn những món ăn hàng ngày. Bạn muốn đổi mới bữa ăn sáng cho cả gia đình. Những món cháo trong bài viết này sẽ giúp bạn giải quyết những ưu phiền trên.
Cháo lá sen, nhị hoa
Nguyên liệu: 1 lá sen tươi, 1 hoa sen, 5 hoa đậu cô ve, 100g gạo tẻ.
Cách chế biến: Lá sen tươi rửa sạch, xắt nhuyễn. Cho gạo vào nồi nước, nấu thành cháo. Cháo chín cho lá sen, hoa sen, và hoa đậu cô ve vào, cho sôi thêm một lúc. Mỗi ngày ăn hai lần.
Công hiệu: Thanh nhiệt, giải độc, giải sầu, lợi tiểu.
Chỉ định: Dùng cho những người bị nhiệt trong người, cảm mạo, lo lắng, tiểu khó, tức ngực.
Cháo ý dĩ, hạt sen
Nguyên liệu: Ý dĩ, hạt sen mỗi thứ 30g, gạo tẻ 50g.
Cách chế biến: Ngâm ý dĩ và hạt sen trong nước ấm khoảng 30 phút, sau đó rửa sạch. Cho ý dĩ, hạt sen và gạo vào trong nồi, đổ vừa nước nấu thành cháo loãng. Mỗi ngày ăn 1 – 2 lần.
Công hiệu: Bổ tỳ, tiêu đờm, giảm béo.
Chỉ định: Dùng cho những người tỳ bị suy yếu dẫn đến phù thũng, kém ăn, ho đờm, tiểu ít.
Cháo hạch đào, mè (vừng)
Nguyên liệu: Hạt mè 25g, nhân hạch đào 10g, bột mì và dầu ăn mỗi thứ một ít.
Cách chế biến: Mè và nhân hạch đào xào thơm, giã nhuyễn thành bột. Cho bột mì và dầu ăn vào, xào chín, đựng vào chén. Cho tiếp hỗn hợp bột mè và nhân hạch đào vào, đổ nước sôi, khuấy đều thành dạng cháo. Mỗi ngày ăn 1 – 2 lần, mỗi lần 2 – 3 muỗng canh.
Công hiệu: Dưỡng não, bổ trí, tiêu mỡ, giảm béo.
Chỉ định: Thích hợp cho những người thận tinh suy yếu dẫn đến xơ cứng động mạch não, trí nhớ kém do nhiều tuổi và bệnh thần kinh nhiều năm.
Cháo bắp, đậu ván
Nguyên liệu: Bắp 50g, đậu ván 25g, táo đỏ 10 quả.
Cách chế biến: Bắp tán nhuyễn thành bột, táo bỏ hột. Cho táo và đậu ván vào nồi nước nấu chín. Khi đậu chín nhừ cho bột bắp vào, nấu chín thành cháo. Mỗi ngày ăn một lần.
Công hiệu: Bổ tỳ.
Chỉ định: Dùng cho những người tỳ suy yếu dẫn đến đau dạ dày, chân tay bị phù, tiểu khó, kém ăn.
Cháo đậu ván, trần bì
Nguyên liệu: Đậu ván tươi 150g, trần bì 15g, gạo tẻ 100g, đường vàng lượng thích hợp.
Cách chế biến: Đậu ván, trần bì rửa sạch, xắt vụn. Cho đậu ván, trần bì và gạo vào trong nồi, đổ vừa nước nấu thành cháo. Khi cháo chín, cho đường vàng vào, khuấy đều rồi tắt bếp. Mỗi ngày ăn một lần vào sáng hoặc tối, ăn khi bụng đói.
Công hiệu: Bổ tỳ dưỡng khí.
Chỉ định: Dùng cho những người tỳ vị suy yếu, dẫn đến đau dạ dày mãn tính, loét đường tiêu hóa, viêm kết tràng mãn tính và chứng chán ăn ở trẻ em.
Cháo long nhãn, hạt sen
Nguyên liệu: Long nhãn, hạt sen, táo đỏ mỗi thứ 10g, gạo tẻ 50g, đường trắng lượng thích hợp.
Cách chế biến: Gạo vo sạch, táo bỏ hột. Cho gạo, long nhãn, hạt sen, táo đỏ vào nồi. Đổ vừa nước, nấu thành cháo loãng. Khi cháo chín, cho đường trắng vào. Mỗi ngày ăn 1 – 2 lần.
Công hiệu: Bổ huyết dưỡng khí.
Chỉ định: Dùng cho những người khí huyết suy yếu dẫn đến tim đập nhanh, mất ngủ, mệt mỏi, kém ăn.
Cháo long nhãn bát ngọc
Nguyên liệu: Long nhãn, đậu phộng (lạc), táo đỏ, hạt sen, ý dĩ, hạt dâu, củ từ, nhân hạch đào mỗi thứ 10g, gạo tẻ 50g, đường trắng lượng thích hợp.
Cách chế biến: Gạo vo sạch, những thứ khác cũng rửa sạch. Cho tất cả vào trong nồi, đổ nước vào nấu thành cháo. Khi cháo chín, thêm một ít đường trắng cho vừa ăn. Mỗi ngày ăn 1 – 2 lần.
Công hiệu: Bổ huyết dưỡng khí.
Chỉ định: Dùng cho những người khí huyết suy yếu dẫn đến tim đập nhanh, mất ngủ, mệt mỏi, kém ăn.
Cháo trân châu mẫu, cẩu kỷ
Nguyên liệu: Trân châu mẫu 30g, cẩu kỷ tử 10g, hoàng tinh 15g, gạo tẻ 100g, đường trắng lượng thích hợp.
Cách chế biến: Cho trân châu mẫu, cẩu kỷ tử và hoàng tinh vào nồi, nấu lấy nước cốt. Gạo vo sạch, đổ nước vào nấu thành cháo. Khi cháo chín, cho hỗn hợp nước cốt và một ít đường trắng vào, nấu sôi thêm một lúc. Mỗi ngày ăn một lần.
Công hiệu: Dưỡng âm, lọc gan.
Chỉ định: Dùng cho những người gan bị thiếu âm dư dương, dẫn đến đầu chóng mặt, tay chân tê dại, hồi hộp, lo lắng, mất ngủ, lưng đau, gối mỏi, mắt không nhìn rõ.
Cháo gạo nếp, ngân nhĩ
Nguyên liệu: Ngân nhĩ 50g, gạo nếp 50g, đường trắng lượng thích hợp.
Cách chế biến: Ngân nhĩ ngâm nở, rửa sạch. Gạo vo sạch, đổ nước vào nấu thành cháo. Khi hạt gạo nở, cho ngân nhĩ và đường trắng vào, cháo mềm là được. Mỗi ngày ăn một lần.
Công hiệu: Bổ thận dưỡng âm.
Chỉ định: Dùng cho những người phổi, thận thiếu âm dẫn đến ho đờm, cổ khô, miệng khát, toàn thân nóng ran, thị lực kém, nhìn không rõ.
Cháo ngũ vị
Nguyên liệu: Ý dĩ 30g, trân châu mẫu 20g, trúc như một nắm, trần bì 5g, đường vàng lượng thích hợp.
Cách chế biến: Ý dĩ rửa sạch. Dùng trân châu mẫu, trúc như, trần bì nấu lấy nước cốt. Cho ý dĩ vào nước cốt, nấu thành cháo. Khi cháo chín cho thêm đường vàng. Mỗi ngày ăn một lần, liên tục trong 7 – 10 ngày.
Công hiệu: Thanh nhiệt.
Chỉ định: Dùng trị những bệnh nóng gan dẫn đến đắng miệng, khô cổ, váng đầu chóng mặt, tay chân uể oải, buồn bực, cáu gắt, nước tiểu có màu vàng đậm.
Để lại một bình luận