Giữ khoảng cách an toàn với các mối quan hệ hiện nay trong xã hội là việc làm rất cần thiết mà bố mẹ nên dạy và hướng dẫn cho con cái khi chúng trưởng thành.
Thủy – con gái một người bạn tôi, lớn lên cùng hai người em trai họ, ba đứa trẻ tuổi tác sàn sàn nhau nên mối quan hệ khá thân thiết. Do từ nhỏ chơi thân với con trai nên Thủy có cá tính mạnh mẽ, có phần hơi nam tính.
Khi vào cấp ba, mỗi lần nói chuyện với các bạn nam cùng lớp, Thủy thường có những hành động quá giới hạn. Mẹ nhắc nhở thì Thủy thấy rất bực bội, nói: “Mẹ, con chẳng làm gì sai cả, đó đơn thuần chỉ là mối quan hệ bạn bè thân thiết, chúng con chỉ bàn luận về chủ đề bóng rổ và bóng đá thôi. Con không coi các bạn là bạn khác giới, các bạn đối với con cũng không có ý gì khác.”
Khi còn nhỏ, mối quan hệ bạn bè thường không phân biệt giới tính, nhưng bước vào tuổi dậy thì, mọi chuyện không còn đơn giản như vậy, bạn nữ không nên có những hành động quá thân mật với bạn nam. Trong quy tắc giao tiếp xã hội hiện nay, chúng ta cần duy trì khoảng cách nhất định với người khác giới.
Từ những năm 50 của thế kỉ XX, các nhà tâm lí học đã tiến hành thí nghiệm và phát hiện mỗi người đều có một không gian độc lập riêng, nếu có người xâm nhập vào “khoảng cách an toàn” đó, chúng ta sẽ cảm thấy khó chịu.
Nghiên cứu chỉ rõ, đây không phải là biểu hiện của bệnh tự cô lập hay hạn chế trong giao tiếp mà là điều kiện cơ bản để duy trì một mối quan hệ. Dù đối phương là ai – nam hay nữ thì hiện tượng tâm lí này luôn tồn tại. Trong mối quan hệ với bạn khác giới, việc giữ khoảng cách an toàn là điều vô cùng quan trọng.
Vậy khoảng cách đó nên duy trì ở mức nào? Ngoài việc căn cứ theo từng đối tượng, nội dung nói chuyện, bối cảnh giao tiếp thì mức độ thân thiết của mối quan hệ là yếu tố quan trọng nhất để xác định khoảng cách này.
Nhà tâm lí học người Mỹ Friedman cho rằng: “Con người càng thân thiết thì càng gần nhau hơn. Bạn bè thường đứng gần hơn những người xa lạ. Những người muốn trở thành bạn bè hay bạn khác giới muốn thu hút lẫn nhau cũng thường đứng gần nhau hơn.
Tuy đa số chúng ta không mấy để tâm đến vấn đề khoảng cách, nhưng một điều chắc chắn là khoảng cách gần biểu hiện cho một mối quan hệ thân thiết.” Các chuyên gia đã chia khoảng cách giao tiếp thành bốn mức, gồm:
(1) Khoảng cách thân mật.
Đây là mức khoảng cách ngắn nhất, nói cách khác là không có khoảng cách. Ở mức độ gần, khoảng cách duy trì ở mức dưới 15cm, hai người có thể có tiếp xúc cơ thể, có thể cảm nhận nhiệt độ cơ thể, nhịp thở, nhịp tim của đối phương.
Ở mức độ xa, khoảng cách từ 15 – 44cm, biểu hiện có thể là quàng tay, bá vai… qua đó thể hiện mối quan hệ thân thiết. Đối với bạn cùng giới, khoảng cách thân mật chỉ được chấp nhận giữa những người bạn đặc biệt thân thiết.
Đối với người khác giới, khoảng cách này được chấp nhận giữa vợ chồng hoặc giữa hai người đang có mối quan hệ tình cảm. Nếu có người khác xâm nhập vào khoảng cách an toàn này, mà không ở mức quan hệ nói trên, sẽ khiến “người trong cuộc” cảm thấy khó chịu và phản ứng mạnh mẽ.
Vì vậy, trong quá trình giao tiếp, những người không thuộc phạm vi giao tiếp thân mật không nên can thiệp quá sâu vào cuộc sống của người khác.
(2) Khoảng cách cá nhân.
Khoảng cách gần nhất thường từ 46 – 76cm, trong phạm vi đó, hai người có thể nắm tay, trò chuyện; khoảng cách xa nhất từ 76 – 122cm, đây là khoảng cách mà hai cơ thể không thể va chạm, mối quan hệ đã có khoảng cách nhất định.
Khoảng không gian này dao động khá lớn, những người bạn bình thường hay người thân đều có thể xâm nhập, nhưng hãy thận trọng nếu bạn là người xa lạ. Ví dụ, nếu bạn đang ngồi suy nghĩ hay làm gì đó, đột nhiên có người lạ tiếp cận, chắc chắn bạn sẽ cảm thấy không an toàn và luôn có tâm lí đề phòng.
(3) Khoảng cách xã hội.
Đây là khoảng cách vượt ra ngoài mối quan hệ thân thiết hay quen biết, nó chỉ đại diện cho một mối quan hệ có tính chất xã giao. Khoảng cách gần nhất khoảng 1.2m – 2.1m, khoảng cách xa nhất khoảng 2.1m – 3.7m.
Trong khoảng cách này, con người phải nói chuyện với nhau với âm lượng khá lớn, do đó nội dung trò chuyện thường là công khai. Những vấn đề bí mật hay không tiện công khai thì hạn chế trao đổi trong phạm vi khoảng cách xã hội.
(4) Khoảng cách công chúng.
Khoảng cách gần nhất khoảng 3.7m – 7.6m, khoảng cách xa nhất trên 7.6m. Khoảng cách này có thể áp dụng với tất cả mọi người, kể cả những người xa lạ không có ý định giao lưu.
Trả lời