Không ai sinh ra đã là thần đồng, tất cả những thành quả mà họ đạt được đều do cố gắng mà có được. Vì vậy khi con bạn không giỏi hãy cùng con tìm ra phương pháp và môn học ưu thế. Như vậy bé mới có được kết quả học tập tốt nhất.
Một lần, tôi đến nhà bạn chơi đúng lúc bạn đang mắng con: “Sao con dốt thế? Câu hỏi đơn giản thế này mà cũng không làm được. Trời ơi, sao tôi lại sinh ra đứa con gái dốt nát thế này không biết!” Sau khi “đánh vật” với đống bài tập của con, bạn mới quay ra tiếp chuyện tôi và than phiền: “Con gái tôi dốt quá bà ạ, thật chẳng biết làm sao”. Tôi nói với bạn: “Nếu cậu cứ tiếp tục mắng con bé là đồ dốt nát, nó sẽ dốt thật cho mà xem”.
Một số thầy cô giáo thường chia học sinh thành ba nhóm: nhóm ưu tú, nhóm thường thường bậc trung và nhóm cá biệt. Trên thực tế, không có học sinh dốt. Qua quá trình học tập rèn luyện đúng cách, những học sinh mà chúng ta cho rằng kém thông minh cũng có thể tiến bộ. Muốn nâng cao thành tích học tập, chúng ta có thể tham khảo những cách dưới đây:
1. Xem lại bài ghi Nhiều học sinh chưa biết cách ghi chép, ghi chỗ này vài chữ, chỗ kia vài chữ, kết quả những phần ghi chép không ăn nhập với nhau, dẫn đến hiệu quả học tập không cao. Những học sinh có thành tích cao thường có thói quen ghi chép cẩn thận.
Khi nghe giảng trên lớp, chữ viết xấu, lộn xộn, chưa ngay ngắn thẳng hàng là điều dễ hiểu, quan trọng phải đầy đủ nội dung. Đối với những kiến thức trọng điểm, nên sử dụng bút nhớ dòng để đánh dấu lại.
2. Không giấu dốt Khi chưa hiểu bài hay có thắc mắc, cần hỏi lại để nhận được sự trợ giúp của thầy cô hay bạn bè, đây là một cách học rất tốt. Tuy nhiên, không nên quá hấp tấp, cần suy nghĩ kĩ lưỡng, tự tra cứu tài liệu để tìm cách giải đáp, khi thực sự không thể giải đáp mới nhờ tới người khác.
3. Thống kê lỗi sai thường mắc phải. Không nên vứt những bài kiểm tra cũ. Những học sinh giỏi thường có thói quen thống kê những đề thi hay hỏi, những câu mình hay mắc lỗi sai, sau đó tiến hành phân tích và tổng kết. Đó là kinh nghiệm quý báu nên học hỏi và tiếp thu.
4. Sắp xếp thời gian hợp lí Nhiều học sinh cho rằng thời gian của chúng quá ít, quá gấp. Thực ra, thời gian ít hay nhiều phụ thuộc vào khả năng sắp xếp của mỗi người. Sắp xếp thời gian hợp lí là một kĩ năng không thể thiếu đối với học sinh và nên được bồi dưỡng ngay từ khi trẻ còn nhỏ.
Các bậc phụ huynh cũng nên chú ý những điều dưới đây:
(1) Khi con gái có thắc mắc muốn hỏi, mẹ nên kiên nhẫn giải thích, không nên tỏ thái độ chán chường, không hài lòng. Khi nhìn thấy mẹ có thái độ không hài lòng, trẻ lập tức sẽ nảy sinh tâm lí muốn rút lui, sau này có vấn đề gì cũng không dám hỏi, điều đó thực sự rất nguy hiểm.
Tuyệt đối không được mắng con là “đồ dốt nát”. Nhiều bà mẹ chỉ là quen miệng mắng con, nhưng trẻ lại không coi đó là lời nói vô ý. Chúng sẽ có ấn tượng rất sâu sắc, dần mất tự tin vào bản thân và cho rằng mình thật sự là người kém thông minh. Những trẻ như vậy thường thiếu động lực học tập, thành tích không cao.
(2) Giúp trẻ trở nên tự tin. Khi thành tích có tiến bộ, khi được thầy cô giáo khen, cha mẹ cũng nên khen ngợi con để chúng tự tin hơn. Chúng ta nên học tập các ông bố bà mẹ phương Tây, họ thường xuyên khen con, cho dù chỉ là một chút thay đổi, trẻ vì thế mà sẽ phấn khởi và càng cố gắng hơn.
(3) Biết cách đối diện với sự khác biệt. Do tính cách và yếu tố bẩm sinh, mỗi đứa trẻ lại có sở trường khác nhau. Con gái tôi khi mới vào trung học cũng có một giai đoạn cảm thấy rất lo lắng. Tuy đã cố gắng hết sức nhưng trong học kì đầu, thành tích các môn tự nhiên đều không được như ý.
Vi rất lo lắng, thậm chí đã từng hoài nghi chính năng lực của mình. Khi biết được điều này, tôi đã tâm sự với con: “Con có năng khiếu về các môn xã hội, các môn tự nhiên điểm số không cao cũng là điều dễ hiểu”. Sau khi nghe xong, tâm trạng con bé đã tốt hơn, thành tích của học kì hai dần có tiến bộ.
Cha mẹ nên giúp trẻ giảm áp lực chứ không phải khiến chúng lo lắng thêm. Có thể cùng con thảo luận, cùng tìm ra phương pháp học thích hợp, đặt ra mục tiêu cụ thể để phấn đấu, giúp trẻ học tập một cách tự nguyện và thoải mái, từ đó nâng cao hiệu quả học tập hơn.
Để lại một bình luận