Cường là một học sinh có thành tích học tập rất xuất sắc, điểm số luôn nằm trong danh sách ba người đứng đầu toàn trường. Cậu là người rất hiếu thắng, không bao giờ dám lơ là học tập, không vui chơi, dành tất cả quỹ thời gian vào việc học.
Cha mẹ cậu cũng vậy, từng giờ từng phút luôn ở bên cạnh để nhắc nhở con học tập với hi vọng Cường có thể thi đỗ đại học. Trong một lần thi thử, do một sai lầm nhỏ, điểm thi của cậu không được cao như ý muốn.
Từ đó, Cường luôn có tâm lí mình làm chưa tốt, học chưa đủ chăm nên càng cố gắng học, học cả ngày lẫn đêm không ngừng nghỉ. Đến khi cha mẹ phát hiện cậu có những biểu hiện bất thường, đưa đến bệnh viện nhờ sự can thiệp của bác sĩ thì đã quá muộn, Cường mắc chứng tâm thần phân liệt do áp lực học tập quá lớn.
Hằng là học sinh giỏi nhiều năm và đã thi đỗ một trường đại học danh tiếng; khi học đại học, năm nào cô cũng giành được học bổng và được tuyên dương trước toàn trường. Ngay từ năm thứ ba, Hằng đã xác định mình sẽ học tiếp thạc sĩ nên rất cố gắng học tập, nhưng càng đến ngày thi, Hằng càng cảm thấy lo lắng.
Cô luôn có cảm giác người bạn cùng phòng đọc trộm tài liệu của mình, nên những sách tham khảo dùng để ôn thi, Hằng đóng gói niêm phong và cất xuống đáy giá sách. Bạn cùng phòng có nói chuyện hơi to một chút, Hằng lập tức nổi giận, thậm chí có lần cô đã dùng dao gọt hoa quả để đe dọa uy hiếp khiến các bạn vô cùng hoảng sợ.
Chuyện được trình báo lên ban quản lí kí túc xá, khi cha mẹ đến và đưa cô đi khám, họ mới biết cô bị mắc chứng hoang tưởng.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến những bi kịch nói trên phải kể tới là do cha mẹ đã yêu cầu con quá cao. Cha mẹ nào cũng mong con thành tài, đó là điều đương nhiên, nhưng cha mẹ không nên vì kì vọng quá lớn mà áp dụng những biện pháp cứng nhắc khiến con cảm thấy áp lực, đặc biệt là trong học tập.
Quá khắt khe và chạy theo thành tích sẽ khiến tâm lí trẻ lệch lạc, gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến nhân cách và cuộc sống sau này. Nhiều bà mẹ cho rằng nếu không yêu cầu cao, trẻ sẽ không chăm chỉ học tập, nếu không thi đỗ đại học sẽ không có tương lai.
Thành tích học tập đương nhiên là quan trọng, nhưng sự phát triển và hoàn thiện về tâm lí, nhân cách còn quan trọng hơn. Một đứa trẻ phát triển toàn diện sẽ hạnh phúc và vui vẻ hơn so với những đứa trẻ chỉ chạy theo thành tích một cách mù quáng.
Khi giáo dục con, cha mẹ có thể đưa ra mục tiêu rõ ràng, những mục tiêu này cần phù hợp với năng lực của trẻ và tình hình thực tế. Dù sao chúng vẫn chưa hoàn toàn trưởng thành, tuy thành tích học tập là quan trọng nhưng đó không phải là yếu tố duy nhất để đánh giá một con người.
Chúng ta nên giúp trẻ phát triển một cách toàn diện cả về thể chất và tinh thần. Ngoài học tập, trong cuộc sống, cha mẹ cũng không nên quá khắt khe với trẻ. Hiện nay, rất nhiều bà mẹ đăng kí cho con theo học nhiều lớp năng khiếu mặc dù con không thích, ngày ngày cần mẫn đưa con đi học.
Nhìn bề ngoài, con có vẻ học hành rất chăm chỉ, nhưng học một cách ép buộc thì hiệu quả sẽ không cao. Có thể trẻ đáp ứng được yêu cầu và nguyện vọng của cha mẹ, nhưng chúng đã mất đi rất nhiều thứ. Đôi vai gánh vác quá nhiều kì vọng sẽ khiến trẻ cảm thấy mệt mỏi.
Hãy thử tưởng tượng, nếu bị người khác ép buộc làm những việc mình không thích, dù người đó là ai, bạn cũng sẽ cảm thấy không thoải mái. Khi giáo dục con, mẹ luôn cần tự hỏi mình: “Yêu cầu như vậy có cao quá không?”, “Yêu cầu như vậy có giúp ích được gì cho con không? Có khiến con cảm thấy nặng nề không?”
Chúng ta nên giáo dục, hướng dẫn con chứ không phải ép buộc con. Hãy để trẻ được trưởng thành một cách vui vẻ mà không phải chịu bất kì áp lực nào. Mẹ nên quản lí con một cách hợp lí, cần xuất phát từ tình yêu, không được quá khắt khe khiến con cảm thấy áp lực. Một tình thương khiến con bị tổn thương, đau khổ và áp lực thì nó đã mất đi giá trị vốn có.
Để lại một bình luận