Kiên trì để làm một việc gì đó là việc làm cần thiết. Nhưng bạn cần đổi mới, thay đổi tư duy của mình. Như vậy mới có thể đạt được thành công mà không bỏ lỡ các cơ hội khác.
Một nữ sinh tốt nghiệp lớp 12 mà tôi quen mấy năm trước có tham gia kì thi đại học, đáng tiếc là không đủ điểm vào trường nguyện vọng một nhưng vẫn đủ điểm vào một trường rất tốt ở nguyện vọng hai. Ai ngờ, cô bé lại chọn cách học lại một năm.
Năm thứ hai, vẫn không đậu đại học, nhưng lại đủ tiêu chuẩn theo học một trường cao đẳng rất tốt, cô bé lại một lần nữa lựa chọn cách ôn thi lại. Năm thứ ba, thành tích ngày càng thấp, đừng nói đại học, đến cao đẳng cũng không đỗ.
Cô bé luôn tự hỏi: “Mọi người đều nói kiên định chắc chắn sẽ thành công, tại sao con lại liên tiếp thất bại?” Theo quan niệm của người xưa, kiên định chắc chắn sẽ thành công. Đó cũng là điều mà nhiều bà mẹ luôn nhắc nhở con gái. Người lớn thường dạy con mình rằng: “Phải kiên trì và kiên trì hơn nữa, thành công đang ở ngay con đường trước mặt, cách con không xa.”
Trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng thường xuyên có những chương trình với nội dung nêu cao tấm gương thành công nhờ kiên định, điều này khiến các bạn trẻ ngộ nhận rằng, chỉ cần kiên định với mục tiêu đã đặt ra, chắc chắn sẽ thành công.
Kiên định một cách cực đoan sẽ trở thành cố chấp. Kiên định và cố chấp nhiều khi chỉ cách nhau một gang tấc mà thôi. Khi bạn cho rằng mình đang kiên định thực hiện một mục tiêu nào đó, rất có thể bạn đã vô tình đang dần trở nên cố chấp, cũng như nữ sinh trong câu chuyện trên, quyết định từ bỏ mọi cơ hội khi không đủ điểm vào đại học.
Thực ra, cô bé hoàn toàn có thể lựa chọn một trường đại học nguyện vọng hai vừa với sức học của mình, sau đó tiếp tục học ôn và tìm cơ hội thực hiện ước mơ sau đó. Từ góc độ tâm lí học, những người cố chấp thường không có khả năng nhận định mọi việc một cách khách quan, càng không thể dùng lí trí để xử lí các vấn đề mới phát sinh.
Ví dụ hiện nay, số lượng người ở nhà học ôn hoặc tham gia các lớp bổ túc kiến thức do không thi đỗ đại học khá cao, trong đó đa số đều thi nhiều năm không đỗ. Xét một cách khách quan, họ học không kém, ai cũng chăm chỉ, hứng thú với học tập, nhưng nguyên nhân dẫn tới việc thất bại liên tiếp là do quá cố chấp với các phương pháp học tập cũ hay với sự lựa chọn ban đầu.
Một chuyên gia tâm lí đã từng tiến hành một thí nghiệm thú vị: yêu cầu đối tượng thực nghiệm làm một bài kiểm tra gồm hơn chục câu hỏi, trong đó cứ năm câu hỏi lại đòi hỏi người làm phải đổi phương pháp tư duy để hoàn thành.
Mục đích của việc thực nghiệm này là kiểm tra sự mềm dẻo, linh hoạt trong tư duy con người. Kết quả chứng minh, số lượng người có thể phản ứng nhanh nhạy trước sự thay đổi là không nhiều. Tục ngữ có câu “Thất bại là mẹ thành công”, nhưng thất bại liên tiếp không đồng nghĩa với việc nhất định sẽ thành công.
Nếu chúng ta đúc rút được kinh nghiệm từ những lần thất bại thì đó mới là chìa khóa dẫn tới thành công. Trong thực tế, chúng ta thường không chỉ thất bại một lần, bởi sau lần đó, một số người thường nảy sinh tâm lí cố chấp, không nhìn thẳng vào bản chất của vấn đề. Những người này bề ngoài tính cách có thể rất mạnh mẽ, quyết không lùi bước, nhưng thực tế lại hoàn toàn ngược lại, họ thường có tâm lí yếu đuối, không có khả năng tùy cơ ứng biến nên thường “bách chiến bách… bại”.
Những người mẹ nên bồi dưỡng con trở thành người có nghị lực chứ không phải cố chấp. Một người có nghị lực thường kiên trì làm những việc đáng làm, còn những người cố chấp thường cố giữ những quan niệm sai lầm. Khi con thất bại, mẹ cần động viên con rút kinh nghiệm, không được cố chấp để rồi dẫn đến hàng loạt thất bại khác.
Để lại một bình luận