Khi gặp một áp lực gì đó trong cuộc sống hàng ngày với người thân trong gia đình. Trẻ ở lứa tuổi dậy thì thường hay nghĩ đến cách bỏ nhà ra đi. Vậy tình trạng này có nên hay không?
Một người bạn tôi đến tâm sự, con gái cô ấy đã bỏ nhà ra đi. Nguyên nhân rất nhỏ nhặt, khi con gái ngủ dậy, bạn tôi có nhắc nhở con phải gấp chăn gọn gàng, con lập tức cãi lại: “Đến thời gian ngủ còn không đủ, thời giờ đâu mà gấp chăn.”
Lần khác, thấy con ăn xong vứt luôn rác lên bàn, thùng rác ngay bên cạnh cũng lười không vứt vào, mẹ nhắc nhở vài câu, con lập tức cãi lại, nói mẹ không hiểu được áp lực học tập của mình. Mẹ nói: “Dù áp lực học tập có lớn đến đâu cũng không thể lấy đó làm cái cớ cho thói quen sinh hoạt bừa bãi của mình”.
Thế là mọi uất ức và áp lực lên tới đỉnh điểm, đứa con không nói không rằng, sập cửa bỏ nhà ra đi, dù chỉ vài giờ sau đã trở về nhưng vẫn khiến mẹ vô cùng lo lắng. Hiện nay, nhiều trẻ vị thành niên hễ có chút mâu thuẫn là “bỏ nhà ra đi”. Vậy tại sao chúng lại thích làm như vậy?
(1) Do mối quan hệ căng thẳng. Các cuộc điều tra cho thấy, nguyên nhân khiến học sinh bỏ nhà ra đi là do mối quan hệ với cha mẹ, bạn bè hay thầy cô quá căng thẳng.
(2) Do tâm lí phản kháng của tuổi dậy thì. Những học sinh có tâm lí khác thường hay có tâm lí đề phòng và thù địch với mọi người xung quanh, dễ dẫn tới hành vi bỏ nhà ra đi khi không được đáp ứng nhu cầu.
(3) Áp lực học tập quá lớn, khiến trẻ nảy sinh tâm lí chán chường, hi vọng dùng cách bỏ nhà ra đi để thoát khỏi áp lực.
(4) Quan niệm thay đổi, tâm lí thực dụng. Ngày nay, công nghệ thông tin ngày càng phát triển, trẻ có thể tiếp xúc với nhiều thông tin khác nhau khiến chúng không còn hứng thú với học tập mà thích tìm hiểu về những kiến thức ngoài xã hội. Ngoài ra, những học sinh có tâm lí thực dụng thường muốn nhanh chóng thoát khỏi tầm ảnh hưởng của gia đình để ra xã hội kiếm tiền.
(5) Tâm lí a dua. Hàng ngày, trẻ có thể nghe thấy những thông tin về việc học sinh bỏ nhà ra đi do áp lực học tập quá lớn; vì vậy khi gặp trở ngại, điều đầu tiên trẻ nghĩ đến là bỏ nhà ra đi. Mẹ nên hiểu tâm lí này, thường xuyên tâm sự để nắm được đặc điểm phát triển tâm sinh lí lứa tuổi của con, đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”.
Khi con có những hành động khiến mình không hài lòng, mẹ có thể dùng cách nhẹ nhàng nhắc nhở, tránh quát tháo nặng lời, gây tâm lí phản kháng, quan trọng nhất là cần giúp con ý thức được việc bỏ nhà ra đi là một hành vi vô cùng nguy hiểm. Thứ nhất, trẻ chưa có khả năng tự lo cho cuộc sống của mình, không thể chịu đựng khó khăn gian khổ. Thứ hai, trẻ sẽ không có được sự an toàn. Vì vậy, không nên bỏ nhà ra đi. Cách giải quyết tốt nhất không phải là trốn tránh mà là đối mặt với thực tế.
Để lại một bình luận