Trẻ luôn muốn thể hiện mình, ham muốn học hỏi và muốn trở thành người hoàn hảo. Bởi vậy trong độ tuổi này bé luôn muốn tìm, tỏi, nghiên cứu. Khi con chưa xác định được tương lai của bản thân thì bố mẹ hãy định hướng lại cho con.
Làm cha mẹ, chắc chắn chúng ta đã từng gặp phải những tình huống như: hôm nay con gái nói muốn học piano, ngày mai lại muốn học violon, ngày kia chuyển sang muốn học tiếng Hàn, vài ngày sau đó lại hết hứng thú, chuyển sang đòi học nấu ăn.
Đây có thể là tâm lí thích thử thách, ham cái mới của trẻ, nhưng một phần cũng xuất phát từ tâm lí muốn trở thành người hoàn mĩ của lứa tuổi này. Một đặc trưng trong giai đoạn này chính là việc trẻ muốn bắt chước những hành động, cử chỉ và cách sống của diễn viên hay ca sĩ nổi tiếng.
Chính việc lăng xê quá mức khiến những con người vốn dĩ chỉ có chút tài năng này trở nên lấp lánh và hấp dẫn trong mắt giới trẻ. Con gái cũng muốn mình được trở thành tâm điểm chú ý của mọi người, đứng trước ống kính thể hiện vẻ đẹp của bản thân.
Chỉ cần hiểu được những hành động của trẻ xuất phát từ tâm lí gì, cha mẹ chắc chắn có thể hiểu và cảm thông. Nếu không kịp thời hướng dẫn và uốn nắn, trẻ chắc chắn sẽ có những hành động vượt quá giới hạn, gây ảnh hưởng tâm lí lâu dài. Chúng ta có thể tham khảo một số cách dưới đây:
1) Khi thấy trẻ thao thao bất tuyệt trước mặt bạn bè, người lớn có thể nhẹ nhàng nhắc nhở:
Dám thể hiện mình không có gì sai, nhưng cũng nên tạo cơ hội cho người khác được thể hiện. Một người con gái chỉ biết thể hiện mình mà không để ý đến cảm nhận của người khác, chắc chắn sẽ không được hoan nghênh.
Hãy yêu cầu trẻ đặt mình vào những trường hợp khác nhau để suy ngẫm, đặt cho trẻ câu hỏi nếu một người bạn cứ khoe khoang không ngừng, con có cảm thấy khó chịu không? Đó là cách tốt nhất để giúp trẻ ý thức được tầm quan trọng của việc khiêm tốn.
2) Hướng dẫn trẻ phát hiện ưu điểm và học hỏi người khác.
Mỗi người đều có ưu điểm riêng, chúng ta nên công nhận và tán thưởng ưu điểm của người khác. Khi nhận ra ưu điểm của người khác cũng là lúc bạn được người khác công nhận và tôn trọng.
3) Khi phát hiện con nói dối
Người lớn không cần vội vàng phê bình quát mắng mà nên dùng mọi biện pháp để giúp trẻ ý thức được lỗi lầm của mình. Trang – con gái một người bạn tôi đã từng nói dối trước mặt bạn bè rằng, con bé biết chơi piano. Khi biết được chuyện này, mẹ Trang không vội vàng trách mắng, mà chỉ nhẹ nhàng hỏi: “Tại sao con lại nói biết chơi piano?”
Con bé trả lời, vì biết chơi piano là thể hiện sự quý phái, con bé muốn được bạn bè ngưỡng mộ. Mẹ nói: “Nếu con thực sự muốn học piano, mẹ có thể đăng kí cho con đi học. Còn nếu con không biết chơi mà nói là biết chơi, đến một ngày nào đó, bạn muốn con thể hiện tài năng của mình, lúc đó con sẽ làm thế nào?”
Trang bắt đầu tưởng tượng ra viễn cảnh đó và nhận ra mình đã phạm phải một lỗi lầm rất lớn. Cách làm này của mẹ Trang đáng để nhiều bậc phụ huynh học hỏi. Nếu ngay khi phát hiện con nói dối, cha mẹ đã vội trách mắng, chắc chắn sẽ phản tác dụng.
4) Cha mẹ nên hướng dẫn con phát hiện tài năng và niềm đam mê thực sự của mình.
Nếu trẻ nay thích học cái này, mai thích học cái khác, chúng ta nên kịp thời giúp trẻ xác định niềm đam mê thực sự của mình. Nên cho trẻ tiếp xúc với nhiều kiến thức trên các lĩnh vực khác nhau, sau đó mới quyết định có thể tiếp tục kiên trì với mảng kiến thức hay kĩ năng nào.
Mẹ nên nói cho con gái biết rằng, thích thể hiện là điều không xấu, nhưng nó cần được xây dựng trên cơ sở tôn trọng người khác và đánh giá đúng về năng lực của bản thân. Hạ thấp người khác, tự nâng cao bản thân là những suy nghĩ không tốt, nó chỉ khiến người đối diện cảm thấy bạn đang ganh tị mà thôi.
Mặt khác, muốn được người khác công nhận, cần phải có ưu điểm và tài năng thực sự, không nên tự tạo ra những giá trị ảo để đánh lừa chính bản thân mình và người khác.
Để lại một bình luận