Cùng với sự gia tăng của áp lực học hành, con gái tôi bắt đầu có triệu chứng mất ngủ. Vừa làm xong bài tập về nhà, con bé cảm thấy rất mệt mỏi, muốn ngủ một giấc nhưng lại không ngủ được.
Nó bắt đầu nghĩ ngợi đủ vấn đề như: muốn thi trường đại học gì? Điểm môn toán có cao không? Bao giờ mới được đứng đầu lớp? Nếu thi trượt đại học thì phải làm gì?… Những vấn đề phức tạp này khiến con bé càng nghĩ càng tỉnh táo, nghĩ đi nghĩ lại, mãi đến gần sáng mới ngủ, nhưng vừa chợp mắt được khoảng một tiếng đã phải dậy đi học buổi sáng.
Do không ngủ đủ giấc, khi lên lớp Vi cảm thấy đau đầu, buồn ngủ, nghe giảng không có hiệu quả, thậm chí còn ghi nhầm nhiều kiến thức. Rất nhiều học sinh do phải động não quá nhiều đã dẫn tới chất lượng giấc ngủ bị suy giảm, các triệu chứng cơ bản gồm: khó ngủ, dễ tỉnh, khi tỉnh dậy cảm thấy mệt mỏi khó chịu, khó ngủ lại.
Nhiều học sinh trước khi đi ngủ còn nghĩ tới quá nhiều chuyện không vui, vì thế càng khó ngủ, cả đêm cứ lăn qua lăn lại mà không thể chợp mắt. Loại mất ngủ này hình thành do lo lắng và áp lực làm thay đổi thói quen ngủ, nói cách khác, nguyên nhân chủ yếu là do yếu tố tâm lí.
Đối với học sinh, lo lắng và áp lực học tập là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới hiện tượng mất ngủ. Muốn loại bỏ tình trạng trên, chúng ta có thể hướng dẫn con áp dụng những biện pháp dưới đây:
1. Trước khi đi ngủ không suy nghĩ nhiều
Lứa tuổi học sinh ngày nay cũng có nhiều suy nghĩ và lo lắng, đặc biệt là các bạn nữ trong tuổi dậy thì. Cha mẹ nên khuyên con, trước khi đi ngủ không nên suy nghĩ quá nhiều. Lo lắng và buồn phiền chính là hai nguyên nhân gây mất ngủ, càng lo lắng càng dễ mất ngủ.
Muốn nâng cao chất lượng giấc ngủ, cần thư giãn thoải mái về mặt tinh thần, giảm áp lực trong cuộc sống và học tập, không quá lo lắng phiền não… Tinh thần ổn định, cảm giác thoái mái sẽ giúp con người dễ chìm vào giấc ngủ hơn.
2. Hình thành thói quen sinh hoạt lành mạnh
Bài tập nhiều, áp lực lớn, đặc biệt là khi vào lớp 12, khi chuẩn bị thi đại học dẫn đến cơ hội tập luyện thể thao rèn luyện sức khỏe ngày càng ít đi. Hơn nữa, rất nhiều học sinh có thói quen thức đêm học bài, lâu dần dẫn tới quy luật sinh hoạt bị đảo lộn, ảnh hưởng tới sự phát triển bình thường của cơ thể.
Mẹ nên hướng dẫn con những kiến thức cơ bản cũng như tầm quan trọng của việc ăn uống điều độ đối với sức khỏe con người, yêu cầu con phải bảo đảm bữa sáng và bữa trưa đủ dinh dưỡng, bữa tối thanh đạm dễ tiêu, không uống các loại đồ uống gây kích thích thần kinh như cà phê hay trà.
Trước khi đi ngủ, có thể rửa chân bằng nước ấm, nếu có điều kiện hãy ngâm mình bằng nước ấm, việc này có tác dụng mở rộng lỗ chân lông, giảm lượng máu lên não, kích thích cảm giác buồn ngủ.
3. Không dùng thuốc khi chưa cần thiết
Nếu con gái mất ngủ dài ngày, mẹ có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ, cho phép con sử dụng một số loại thuốc hỗ trợ. Trong Đông y, cũng có nhiều vị thuốc có tác dụng cải thiện giấc ngủ mà không có nhiều tác dụng phụ như thuốc Tây.
Đối với trẻ vị thành niên, nên hạn chế sử dụng thuốc bởi thuốc không phải là biện pháp tốt nhất, thuốc chỉ là biện pháp hỗ trợ, có tác dụng nhất thời, nếu ngừng sử dụng, chứng mất ngủ vẫn không được cải thiện. Dùng thuốc quá nhiều hoặc quá lâu sẽ khiến con người phải phụ thuộc vào thuốc, ngoài ra, thuốc cũng có nhiều tác dụng phụ, khi sử dụng thuốc ngủ, sau khi tỉnh dậy sẽ có các triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, toàn thân rã rời, khó thở…
Vì vậy, thuốc chỉ nên sử dụng khi không còn cách nào khác, không nên quá lạm dụng. Đối với người mắc chứng mất ngủ, điều trị và cải thiện về tâm lí là quan trọng nhất. Tóm lại, trẻ vị thành niên nên tự tin, không suy nghĩ lung tung, biết điều tiết áp lực học tập.
Sau khi ăn cơm tối, có thể đi dạo khoảng ba mươi phút, tham gia các hoạt động thể thao giải trí để điều chỉnh nhịp sống. Quan trọng nhất là cần đảm bảo ngủ đủ tám tiếng mỗi ngày.
Để lại một bình luận