Bước vào tuổi dậy thì, trẻ thường xuyên vui buồn thất thường, đang cười nói vui vẻ, một giây sau đã có thể cau có buồn rầu, không biết bực mình vì chuyện gì. Lúc trước thì thích người này đến mức liên tục nhắc đến, một thời gian sau lại ghét cay ghét đắng đến mức không muốn gặp lại.
Đã có rất nhiều bà mẹ đến than phiền với tôi về việc con gái họ không nghe lời, thường xuyên vui buồn thất thường, chỉ cần cha mẹ phản đối một chút là sẵn sàng bỏ nhà ra đi. Con gái tôi cũng có một khoảng thời gian như vậy.
Một lần nọ, con bé đi đôi giày yêu thích nhất ra đường, do không cẩn thận vấp phải đá nên đôi giày bị rách mũi, cả ngày hôm đó con bé không cười không nói, tâm trạng rất không tốt. Một lần khác, cuộc hẹn đã được đặt ra từ trước, nhưng trước ngày đó một hôm, vài bạn trong nhóm có việc đột xuất không thể đến được nên đã hoãn đến hôm khác.
Cả ngày hôm đó, con bé không vui, toàn châm chọc, quát tháo người khác khiến mọi người đều thấy phiền lòng. Sau khi phát hiện biểu hiện bất thường này của con, tôi đã nhắc nhở: “Vi, con làm vậy là không được. Nếu cứ tiếp tục như vậy, mọi người chắc chắn sẽ xa lánh con cho mà xem!” Con bé ngạc nhiên đáp lại: “Ai bảo mẹ vậy? Các bạn con gọi đó là “cá tính”.
Tôi mỉm cười vuốt đầu con nhẹ nhàng giải thích: “Con yêu, đó không phải là “cá tính”. Một người con gái có “cá tính” là người biết tiết chế tình cảm của mình và cư xử đúng mực trong mọi hoàn cảnh”. Trong việc giáo dục con, tôi thường coi con như người lớn.
Khi chia sẻ quan điểm này với những bà mẹ khác, họ đều cười và nói: “Chúng chỉ là những đứa trẻ, trẻ con thì hiểu gì chứ! Nếu chúng ta không quan tâm dạy dỗ, nhỡ chúng bị người khác lừa thì làm thế nào?” Thực ra, càng coi chúng là trẻ con thì tâm lí phản kháng trong trẻ càng mạnh, thậm chí nhiều trẻ còn sẵn sàng chống đối lại cha mẹ, ngoài mặt thì có vẻ phục tùng nhưng trên thực tế lại có những suy nghĩ hoàn toàn trái ngược.
Thật ra, những cô bé bước vào tuổi dậy thì đã không còn là đứa trẻ ngây thơ như trước nữa. Tuổi dậy thì chính là giai đoạn quá độ giữa trẻ con và người lớn. Chúng bắt đầu hiểu được làm phụ nữ nên như thế nào, phụ nữ có vai trò gì trong gia đình và xã hội, biết được bản thân có thể chịu đựng ở mức độ nào.
Do được giáo dục đầy đủ, đồng thời được tiếp xúc với nhiều nguồn kiến thức khác nhau, trẻ dần hình thành quan điểm riêng, luôn cho rằng cha mẹ hoàn toàn không hiểu và không chấp nhận thế giới của mình. Chúng thường có xu hướng thảo luận và tham khảo ý kiến từ bạn bè thay vì tìm kiếm sự giúp đỡ từ cha mẹ hay các bậc bề trên.
Đây là giai đoạn trẻ rất nhạy cảm về tâm lí, chỉ cần người xung quanh có những ý kiến khác biệt, trẻ lập tức cho rằng họ có ý muốn đối đầu với mình nên thường xuyên có biểu hiện tâm lí thất thường, lúc vui lúc buồn, tức giận không rõ nguyên nhân…
Vì thế, đối với con gái tuổi dậy thì, hãy đối đãi với chúng như những người bạn, cho phép con tham gia vào mọi công việc trong gia đình, nghiêm túc lắng nghe ý kiến của con, cùng chia sẻ mọi áp lực và khó khăn trong công việc và cuộc sống để chúng hiểu rằng, thế giới của người lớn không hề đơn giản. Nếu trẻ thích giữ bí mật, không muốn chia sẻ, cha mẹ cũng đừng lấy làm lạ. Mỗi người đều có thế giới riêng của mình, điều đó không phải là biểu hiện của sự xa lánh mà đơn giản chỉ là chúng đã trưởng thành.
Khi con gái có bạn trai, cha mẹ không nên quát tháo phản đối, cũng không nên quá vội vàng thăm hỏi dò xét mà nên giữ thái độ bình tĩnh. Ở độ tuổi này, con gái thường rất nhạy cảm, biết cách suy nghĩ mọi việc dưới con mắt của người trưởng thành, nhưng do thiếu kinh nghiệm sống nên chúng thường có những hành động bốc đồng, nếu cha mẹ can thiệp quá mức, tự nhiên chúng sẽ hình thành tâm lí phản kháng.
Mẹ nên nói với con, tâm lí thay đổi thất thường là điều dễ hiểu. Gia đình là môi trường an toàn nhất, ông bà cha mẹ luôn quan tâm chăm sóc và khoan dung với mọi lỗi lầm của con, nhưng nếu điều này xảy ra ngoài xã hội, chắc chắn sẽ gây khó chịu cho người khác.
Để lại một bình luận