Trong giai đoạn này, trẻ dễ cảm thấy mất cân bằng, có nhiều nghi vấn thắc mắc, tự ti, bất an, lo lắng, thậm chí còn có những suy nghĩ và hành vi tiêu cực.
Đồng thời, về tâm lí, do đang trong giai đoạn phát triển và hoàn thiện, trẻ thường có tâm lí phản kháng, phủ định những giá trị tốt đẹp đã được hình thành ở giai đoạn lứa tuổi trước đó. Là một người mẹ, bạn chắc hẳn đã từng trải qua giai đoạn này, nên sẽ dễ dàng thấu hiểu và giúp đỡ con gái vượt qua khó khăn.
Chúng ta có thể dùng kinh nghiệm của mình để giúp con phát triển và hoàn thiện tâm sinh lí, hình thành các quan niệm đúng đắn, duy trì thái độ sống tích cực, tăng cường hiểu biết về xã hội, nâng cao hiệu quả giao tiếp.
Nhiều bà mẹ thường tự do ra vào phòng riêng của con, đọc tin nhắn trong điện thoại, đọc nhật kí, lục lọi ngăn kéo của con. Tuy những bí mật của con thường đều không có gì xấu, nhưng chúng không thích những hành động như vậy của cha mẹ. Khi phát hiện những hành vi trên của mẹ, con gái thường cảm thấy:
1/ Mất tự tin
Con gái hi vọng mình có thể tự lập, không chịu sự ràng buộc từ cha mẹ, đó là biểu hiện của sự tự tin. Khi làm sai, muốn tự mình sửa chữa; thành tích học không tốt, muốn tự mình cố gắng cải thiện. Nếu tự ý xâm phạm quyền riêng tư của con, là chúng ta đang vô tình khiến chúng cảm thấy mất tự tin.
2/ Đánh mất cảm giác hổ thẹn
Con gái thường muốn giấu giếm những sai lầm, thiếu sót, đó là biểu hiện bình thường của sự hổ thẹn. Khi bí mật bị bóc gỡ, phát hiện hay công khai, trẻ sẽ cảm thấy rất xấu hổ, đau khổ, nhưng lâu dần sẽ trở nên chai lì, không còn cảm giác này nữa.
3/ Phá vỡ các mối quan hệ xã hội
Những bí mật của con thường liên quan đến bạn bè, thầy cô hay người quen, ví dụ những hoạt động cùng bạn không muốn chia sẻ với người khác, nên hai bên cùng thống nhất giữ bí mật. Nếu thầy cô hay cha mẹ biết chuyện, không cẩn thận để lộ ra ngoài sẽ khiến mối quan hệ bạn bè bị rạn nứt.
4/ Đánh mất niềm tin, khiến mối quan hệ mẹ con bị rạn nứt
Sau khi xâm phạm quyền riêng tư của con, cha mẹ không giải thích hay có biện pháp khắc phục sẽ đánh mất niềm tin, hình thành khoảng cách giữa cha mẹ và con. Một khi khoảng cách được hình thành, chúng ta sẽ rất khó có thể dạy bảo con.
Không xâm phạm đời sống riêng tư, không đồng nghĩa với việc mẹ không hỏi han bất kì vấn đề gì của con. Mọi bà mẹ đều muốn hiểu suy nghĩ, tâm tư tình cảm của con, nhưng quan trọng là phải sử dụng phương pháp thích hợp.
Chúng ta nên tôn trọng quyền riêng tư, dùng hành động và tình cảm để khiến trẻ tự nguyện chia sẻ với mình. Quan niệm về bí mật có thể thay đổi, nếu trẻ không tin tưởng, không muốn chia sẻ với bạn, đó là bí mật, nhưng khi trẻ đã tin tưởng thì đó không còn là bí mật nữa.
Vì vậy, điều quan trọng nhất là chúng ta cần có được niềm tin từ con, để con chủ động chia sẻ chứ không nên dùng các biện pháp tiêu cực nhằm cố gắng tìm hiểu sự riêng tư của con. Các bà mẹ có thể tham khảo những cách dưới đây để trở thành một bà mẹ tâm lí:
(1) Nuôi dưỡng niềm tin, khiến con tin tưởng mẹ.
(2) Tạo thói quen chia sẻ mọi chuyện giữa mẹ và con.
(3) Không xem tin nhắn, đọc nhật kí, thư từ khi chưa được sự đồng ý của con.
(4) Giữ lời hứa, khi không thể giữ lời hứa nên giải thích rõ lí do để con hiểu và thông cảm.
(5) Nếu hứa với con giữ bí mật, cần thực hiện đúng. Nếu bí mật cần công khai, nên để con tự nói ra.Cuối cùng, nếu con đã làm những việc vượt quá giới hạn cho phép hay phạm pháp, thì đó không còn là bí mật nữa. Lúc đó, chúng ta cần giảng giải cho con phân biệt đúng sai, đồng thời cần phê bình, giáo dục để con không tái phạm sai lầm cũ.
Để lại một bình luận