Đến tuổi trưởng thành, con gái không thể không học và nắm được kĩ năng giao tiếp. Giao tiếp với xã hội là một kĩ năng cần thiết, giúp ích rất nhiều cho quá trình học tập và công tác sau này.
Những người giỏi giao tiếp thường dễ được người khác quý mến và thành công hơn so với những người không thích giao tiếp. Họ thường hiểu rất rõ các nguyên tắc xã giao thông thường, hiểu được tác dụng của nụ cười, biết nói chuyện đúng thời điểm, chuyện gì nên nói, chuyện gì không nên nói.
Họ luôn lạc quan và hài hước, biết biểu đạt ý kiến một cách nhẹ nhàng, biết duy trì và phát triển các mối quan hệ, dám đối mặt với sai lầm, chấp nhận lời góp ý phê bình của người khác để tiến bộ. Họ biết suy nghĩ cho người khác, không vui buồn thất thường, chủ động giao tiếp với người lạ, biết chia sẻ niềm vui nỗi buồn với bạn bè và người thân.
Khi nói chuyện với những người như vậy, chúng ta luôn cảm thấy nhẹ nhõm và vui vẻ. Con gái phải học rất nhiều điều nhưng nếu mẹ biết cách hướng dẫn, sẽ không phải lo lắng kĩ năng giao tiếp của con sau này nữa…
Trong xã hội hiện đại, rất nhiều người thường xuyên nhốt mình trong nhà và sống trong thế giới tưởng tượng của mình. Khi nhịp độ cuộc sống tăng nhanh, họ không muốn bước ra ngoài xã hội, ít khi giao lưu bạn bè vì cho rằng đó là một gánh nặng. Một tỉ lệ không nhỏ trong số đó thiếu kĩ năng giao tiếp với người khác và mắc chứng sợ giao tiếp.
Lan năm nay hai mươi chín tuổi, đã bỏ việc và cùng chồng chuyển nhà đến một thành phố mới. Chồng cô là giảng viên ở một trường đại học, luôn luôn bận rộn, còn cô cả ngày chỉ quanh quẩn trong nhà. Buổi sáng, Lan ngủ đến mười giờ mới dậy, mặc nguyên đồ ngủ nấu chút đồ ăn trưa, sau đó lên mạng, đến khoảng năm giờ chiều thì đi chợ mua ít thực phẩm về nấu bữa tối, sau khi ăn cơm xong lại ngồi xem tivi hoặc lên mạng đến tận đêm.
Có lúc ngại đi chợ, Lan còn gọi đồ ăn sẵn mang đến tận nhà mà không cần bước ra khỏi cửa. Vài năm sau, Lan mắc chứng trầm cảm nặng, không muốn đi đến chỗ đông người, ngại giao tiếp với người lạ.
Hòa, cũng mắc chứng sợ giao tiếp. Mỗi khi cha mẹ yêu cầu ra ngoài, Hòa đều suy nghĩ rất lâu mới có thể quyết định. Cô ngại giao tiếp, không dám nhìn thẳng vào mắt người khác, nhưng lại là một người hoàn toàn khác trong thế giới mạng.
Hòa có rất nhiều bạn chat, nhưng chưa bao giờ dám gặp mặt nhau. Khi được hỏi tại sao lại sợ ra khỏi nhà, Hòa trả lời sợ rằng khi ra ngoài xã hội mình sẽ mắc lỗi. Khi gặp người dù quen hay lạ, Hòa đều cảm thấy lo lắng, một khi lo lắng, mọi hành vi lời nói đều không được tự nhiên, nếu không muốn nói là bất thường.
Hai người trong ví dụ trên đều mắc chứng sợ giao tiếp, nguyên nhân do họ đã ở nhà quá nhiều, không được tiếp xúc với xã hội, từ đó gây rối loạn nhịp sống, giảm kĩ năng giao tiếp. Tóm lại, ở nhà không xấu, nhưng chúng ta cũng cần tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa ngoài trời để bồi dưỡng năng khiếu, tăng cơ hội tiếp xúc với xã hội và nâng cao khả năng giao tiếp.
Để lại một bình luận