Hãy dạy con cách lắng nghe và tập trung vào câu chuyện mà người đối diện đang nói là cách đang tôn trọng người khác và tôn trọng chính bản thân. Khi nói chuyện con nên khiêm tốn, chân thành, dùng từ ngữ uyển chuyển sẽ làm người đối diện thêm thoải mái, yêu quý.
Một lần nọ, tôi đưa Vi đến chơi nhà họ hàng. Vì lâu lắm mới gặp nên mọi người đều rất quan tâm đến tình hình của con bé, hỏi thăm rất nhiều thứ. Đúng lúc đó, trên tivi đang phát bộ phim truyền hình dài tập mà Vi yêu thích, vì thế con bé vừa xem phim vừa trả lời câu hỏi của cô dì chú bác, có lúc người lớn phải hỏi ba bốn lần con bé mới trả lời, nhưng cũng chỉ trả lời qua loa cho xong chuyện.
Khi về nhà, tôi đã phê bình Vi: “Lắng nghe thể hiện việc con tôn trọng người đối diện, cũng là tôn trọng chính mình.” Rất nhiều thanh thiếu niên, đặc biệt là thế hệ 9X không biết cách lắng nghe người khác. Dù là nói chuyện với ông bà cha mẹ, thầy cô hay bạn bè, chúng thường có nhiều chuyện để nói mà quên hẳn nhiệm vụ lắng nghe người khác.
Tôi nói với Vi, lắng nghe người khác thể hiện sự tôn trọng người đối diện, cũng là tôn trọng chính mình. Lắng nghe người khác, chúng ta chắc chắn sẽ học được nhiều điều. Thực ra, lắng nghe người khác cũng là một nghệ thuật. Lắng nghe có vai trò vô cùng quan trọng trong việc duy trì các mối quan hệ xã hội.
Những người biết lắng nghe thường có mối quan hệ xã hội khá tốt đẹp, bởi lắng nghe là cách thể hiện sự tán thưởng đối với người đối diện. Kiên nhẫn lắng nghe tức là bạn đang truyền đi thông điệp “Bạn là người đáng để tôi lắng nghe” khiến người đối diện cảm thấy mình được tôn trọng, tình cảm theo đó cũng được tăng lên.
Ngược lại, những người không biết cách lắng nghe thường khiến người khác cảm thấy lòng tự trọng bị tổn thương, nên không muốn tiếp tục giao tiếp và duy trì mối quan hệ. Ấn tượng để lại sau lần gặp đầu tiên thường là cách ăn mặc và cách cư xử.
Khi biết cách lắng nghe, người khác tự nhiên sẽ chủ động kết bạn và muốn duy trì mối quan hệ với bạn, nhờ vậy chúng ta có cơ hội được tiếp xúc với nhiều người, phạm vi xã giao được mở rộng và tăng cường. Các bạn trẻ có thể tham khảo một trong ba cách dưới đây để trở thành một người biết lắng nghe:
1. Kiên nhẫn lắng nghe
Kiên nhẫn là một phẩm chất cần được rèn luyện và bồi dưỡng từ khi trẻ còn nhỏ. Trong thực tế, khi đối thoại không phải lúc nào chúng ta cũng có hứng thú với đề tài đang được thảo luận. Những lúc như vậy, cần hạn chế thể hiện thái độ chán nản.
Các chuyên gia nghiên cứu cho biết, tốc độ nói chuyện trung bình của con người khoảng 120 – 180 chữ/phút, trong khi đó tốc độ tư duy nhanh hơn tốc độ nói 4 – 5 lần. Vì vậy, trong nhiều trường hợp, đối phương chưa nói hết, bạn đã có thể hiểu được ý nghĩa họ muốn truyền đạt, lúc đó tư tưởng thường dễ bị phân tán, biểu hiện bên ngoài thường là không chú ý lắng nghe.
Bởi vậy, chúng ta nên nhớ, khi nói chuyện với người khác cần tập trung chú ý, không nhìn ngang nhìn dọc, càng không nên có những hành vi thiếu lịch sự như cắt móng tay, xỉa răng, ngoáy mũi, ngoáy tai, chỉnh sửa trang phục, cởi giày…
Dù nội dung đối thoại không giúp ích gì cho bạn thì cũng không nên cau mày nhăn trán hay thể hiện thái độ phủ nhận hoàn toàn, thay vào đó có thể thay đổi đề tài một cách uyển chuyển và tế nhị để đối phương không tự ái.
2.Khiêm tốn
Trong cuộc sống, mục đích của giao tiếp là giao lưu tình cảm và trao đổi kiến thức, chứ không phải là một cuộc thi hùng biện hay một bài diễn thuyết. Vì vậy, trong quá trình đối thoại, giữ một thái độ khiêm tốn là việc làm phù hợp nhất.
Có không ít cô gái luôn tỏ ra kiêu ngạo, khi nói chuyện với người khác thường mang thành kiến nặng nề, cho rằng nội dung đối thoại của đối phương không giúp ích gì cho mình hoặc chỉ thao thao bất tuyệt, không cho người khác cơ hội bày tỏ.
Một số người lại luôn cho rằng, mình hiểu biết hơn người khác nên luôn muốn thể hiện bản thân, người khác chưa nói dứt lời đã cắt ngang, đó là hành vi thiếu tôn trọng người đối diện. Để khắc phục điều này, các bạn có thể tham khảo những cách dưới đây: Khi nói chuyện, có thể sử dụng những câu như “Vấn đề này rất hay, tôi sẽ suy nghĩ kĩ lưỡng” hoặc “Ý kiến của tôi về vấn đề này như sau…”
Khi muốn phủ định có thể sử dụng cách nói uyển chuyển như :“Theo tôi nhớ hình như không phải là vậy.” “Chúng ta có thể suy nghĩ theo một cách khác, ví dụ …”, như vậy đối phương chắc chắn sẽ tiếp tục lắng nghe một cách vui vẻ, tránh những hiểu lầm không đáng có. Tóm lại, ở nơi công cộng, con gái không nên trở thành một nhà hùng biện thao thao bất tuyệt mà cần kiên nhẫn, khiêm tốn lắng nghe người khác.
3.Chân thành
Trò chuyện, vốn không phải chấp nhận một cách bị động, mà cần biết cách giao lưu một cách chủ động, điều này đòi hỏi một trái tim chân thành. Khi nói chuyện, có thể dùng ánh mắt, những cái gật đầu, dùng động tác tay để thể hiện sự đồng tình, khích lệ hoặc nhắc lại những nội dung quan trọng nhất, có ích nhất trong câu chuyện.
Nếu có thắc mắc hay nghi vấn, có thể dùng những cách gợi ý đơn giản để đối phương tập trung giải đáp, như vậy đối phương sẽ cảm nhận được bạn đang lắng nghe một cách nghiêm túc và rất tôn trọng họ. Thái độ bên ngoài thường “tố cáo” suy nghĩ của bạn.
Khi nói chuyện, bạn nhìn người đối diện, chứng tỏ bạn đang lắng nghe một cách nghiêm túc; nếu nhìn ngang ngó dọc chứng minh bạn không chú ý, không hứng thú với nội dung đối thoại. Quan sát động tác của tay, chúng ta cũng có thể đoán được đối phương đang chăm chú lắng nghe hay muốn kết thúc đối thoại.
Ngoài ra, chúng ta cũng cần chú ý khi giao tiếp, lời nói và biểu hiện nên có sự thống nhất, ví dụ khi đối phương kể chuyện cười hay nói đùa, chúng ta nên mỉm cười để thể hiện mình đang lắng nghe, khi nhận thấy đối phương đang căng thẳng, nếu bạn cứ nhìn chằm chằm chắc chắn sẽ khiến đối phương thiếu tự tin, những lúc như vậy, nên nhẹ nhàng hóa giải căng thẳng bằng cách đổi chủ đề trò chuyện hay kể một câu chuyện cười…
Đương nhiên, biểu hiện cũng không nên quá khoa trương, không cười nói quá lố khiến người khác cảm thấy giả tạo, thiếu tự nhiên, ảnh hưởng tới không khí cuộc trò chuyện.
Để lại một bình luận