Contents
- 1 Cao hoàng tinh
- 2 Cao hoa cúc diên linh
- 3 Cao mạch nha, phật thủ
- 4 Cao lê
- 5 Cao mật ong, hạch đào, ngũ quả
Bạn muốn nâng cao sức khỏe mà không biết nên ăn uống gì để có được sức khỏe tốt trong mùa đông này? Hãy tham khảo bài viết này.
Cao hoàng tinh
Nguyên liệu: Hoàng tinh 250g, mật ong 100g.
Cách chế biến: Hoàng tinh rửa sạch, thái nhỏ, cho vào nồi. Đổ khoảng 10 phần nước, nấu sôi khoảng 1 giờ, sau đó bỏ bã, lấy nước. Đổ tiếp khoảng 6 phần nước nữa, đun trong khoảng 30 phút, lọc lấy nước.
Tiếp tục cho lên bếp, để lửa nhỏ, nấu tới khi nào nước có độ sánh như cao. Cho thêm mật ong vào, khuấy đều, tắt bếp. Đợi bớt nóng thì đổ vào bình. Mỗi lần uống 2 muỗng canh, một ngày uống 2 – 3 lần, pha với nước nóng.
Công hiệu: Bổ thận, nhuận phổi, lợi tinh, dưỡng huyết.
Chỉ định: Dùng cho những người phổi, thận thiếu âm dẫn đến phổi kết hạch, viêm phế quản mãn tính, khó thở.
Chú ý: Cao này bổ và rất béo, những người bị đờm nhiều, tiêu chảy không nên dùng.
Cao hoa cúc diên linh
Nguyên liệu: Hoa cúc và mật ong mỗi thứ lượng thích hợp. Cách chế biến: Ngắt những cánh hoa cúc đem rửa sạch, đổ nước vào nấu, sau đó vớt bỏ bã. Cho thêm mật ong vào, nấu trên lửa nhỏ tới khi nào nước có độ sệt như cao, đợi nguội đổ vào bình. Mỗi lần lấy khoảng 10ml, pha với nước nóng uống. Một ngày 3 – 4 lần.
Công hiệu: Lọc gan, thanh nhiệt.
Chỉ định: Dùng cho bệnh nhân cao huyết áp, mỡ cao trong máu, gan bị phong nhiệt dẫn đến hoa mắt chóng mặt, nhìn không rõ.
Cao mạch nha, phật thủ
Nguyên liệu: Phật thủ 1 – 2 quả, mạch nha lượng thích hợp.
Cách chế biến: Phật thủ rửa sạch, thái nát. Cho phật thủ vào đồ đựng có nắp, đổ mạch nha vào, đun cách thủy cho đến khi phật thủ chín nhừ và có độ sệt. Mỗi lần dùng một muỗng canh, pha với nước nóng uống vào buổi sáng và tối.
Công hiệu: Trị khí, tiêu đờm, ngừng ho, tiêu mỡ, giảm béo.
Chỉ định: Dùng cho người mắc chứng tỳ vị nghẽn khí dẫn đến đầy bụng, tức ngực, khó thở, ho đờm và chứng mỡ cao trong máu.
Phật thủ giống như trần bì, có khả năng tăng tính đàn hồi của mạch máu, có tính dai, làm giảm tính thẩm thấu của mao mạch, ngăn ngừa vỡ mao mạch, phòng trị xơ cứng động mạch và cao huyết áp, giảm mỡ cao trong máu, hạ thấp khả năng hình thành mỡ trong động mạch vành, trị bệnh cao huyết áp và bệnh tim.
Chú ý: Người bị tiêu chảy và ho đờm không nên dùng.
Cao lê
Nguyên liệu: Lê 20 quả, táo đỏ 1kg, ngó sen tươi 1,5kg, gừng tươi 300g, đường phèn 400g, mật ong lượng thích hợp.
Cách chế biến: Lê, táo, ngó sen, gừng tươi giã nát lấy nước cốt. Đường phèn đập nhuyễn. Nấu nước cốt thành dạng cao, sau đó cho đường phèn. Khi đường tan thì cho mật ong vào. Pha với nước nóng, uống sáng hoặc tối tùy thích.
Công hiệu: Bổ phổi, hạ hỏa, ngưng ho, tiêu đờm, chống khô, tiêu sầu, giải nhiệt, tiêu mỡ, giảm béo.
Chỉ định: Uống khi thời tiết khô hanh hoặc người bị khô phổi.
Thành phần dinh dưỡng: Quả lê có chứa acid prussic, đường gluco, đường mía, có tác dụng hạ huyết áp, thúc đẩy dạ dày tiết ra acid, trợ giúp tiêu hóa và làm cho thèm ăn.
Chú ý: Người bị đờm nhiều hoặc bị tiêu chảy không nên dùng.
Cao mật ong, hạch đào, ngũ quả
Nguyên liệu : Nước cốt bạch quả, nước cốt lê, nước cốt ngó sen tươi, nước cốt mía, nước cốt củ từ, bánh hồng khô, nhân hạch đào sống, mật ong mỗi loại 120g.
Cách chế biến: Năm loại nước cốt cùng với bánh hồng khô tán nhuyễn thành cao. Mật ong và nhân hạch đào sống giã nát, cho thêm nước vào nấu sôi. Khi nước mật ong và nhân hạch đào sôi thì cho cao ngũ quả với bánh hồng khô đã tán nhuyễn vào, nấu sôi một lần nữa, sau đó cất vào lọ.
Mỗi lần uống 1 – 2 muỗng canh, mỗi ngày 2 – 3 lần, pha với nước nóng uống.
Công hiệu: Nhuận phổi, ngừng ho, tiêu đờm, tiêu mỡ.Chỉ định : Dùng cho người bị chứng phổi khô ho khan, đau và tức ngực, táo bón, tiểu ít, nóng toàn thân, phụ nữ kinh ra ít hoặc tắt kinh.
Thành phần dinh dưỡng: Bạch quả có chứa protein, acid amin, chất béo, carotine, vitamin B, calci, phospho, sắt và flavonol. Mía chứa đường mía, carbohydrate, calci, phospho, sắt và các loại acid amin. Bánh hồng khô có chứa flavonol, tannin, phenol, polysaccharide, dầu dễ bay hơi, chất diệp lục, lớp phấn kết tinh ở bên ngoài có tác dụng nhuận phổi rất tốt.
Chú ý: Không nên dùng mía bị hư. Khi ăn phải rửa sạch và không nên ăn mía quá nhiều.
Để lại một bình luận