Cháo là thực phẩm dễ ăn, dễ nấu và khi biết chế biến các món cháo nó có thể là món ăn bổ dưỡng dành cho sức khỏe của gia đình bạn.
Cháo sữa
Nguyên liệu: Sữa bò hoặc sữa dê lượng thích hợp, gạo tẻ 100g.
Cách chế biến: Gạo tẻ vo sạch, cho vào nồi. Đổ vừa nước, nấu trên lửa lớn. Khi gạo nở, chắt bỏ nước gạo, thay bằng sữa và một ít đường trắng. Nấu thành cháo loãng, mỗi ngày ăn một lần.
Công hiệu: Bù đắp hư tổn, giúp khỏe tỳ vị.
Chỉ định: Thích hợp với người bị chứng suy nhược, gầy yếu, khí huyết không đủ, cơ thể yếu sau cơn bệnh hoặc sau khi sinh; suy dinh dưỡng ở trẻ em.
Chú ý: Vào mùa hè thời tiết nóng nực, tốt nhất nên dùng sữa tươi, mới. Những người bị đờm nhiều không nên dùng.
Cháo hạt thông, nhị hồ
Nguyên liệu: Nhân hồ ma, nhân hạch đào, nhân hạt thông mỗi thứ lượng bằng nhau, mật ong lượng thích hợp.
Cách chế biến: Bỏ cả 3 nguyên liệu vào rang thơm, giã nhuyễn thành bột. Mỗi lần ăn, dùng một ít bột nguyên liệu trộn với ít mật ong; đổ nước sôi vào khuấy thành dạng cháo. Ăn một lần vào mỗi buổi sáng, ăn khi bụng đói.
Công hiệu: Bổ âm nhuận tràng.
Chỉ định: Thích hợp với những người bị táo bón, bị suy nhược cơ thể sau cơn bệnh, sau khi sinh hoặc do tuổi già.
Thành phần dinh dưỡng: Nhân hạt thông có chứa dầu béo, protein, carbohydrate, các loại vitamin và các nguyên tố vi lượng. Thành phần chất béo chủ yếu của nhân hạt thông bao gồm acid béo và acid không no như acid oleic, acid linoleic, có tác dụng làm mềm mạch máu, giảm mỡ cao trong máu và có khả năng ngăn ngừa bệnh về mạch máu do việc tăng cholesterol gây nên.
Chú ý: Những người bị tiêu chảy và đờm nhiều không nên dùng.
Cháo củ từ, mè đen
Nguyên liệu: Củ từ 150g; mè đen, đường phèn mỗi thứ 120g, sữa bò 200ml, gạo tẻ 60g, đường 6g.
Cách chế biến: Gạo vo sạch, ngâm trong nước khoảng 1 giờ, sau đó vớt ra, để ráo. Cho gạo vào nồi rang thơm trên lửa nhỏ. Củ từ rửa sạch, thái nhỏ. Mè đen rang thơm, giã nhuyễn. Cho gạo, củ từ, mè đen vào thố, đổ sữa bò và một ít nước vào, khuấy đều, tán nhuyễn, lọc lấy phần bột ở trên. Đổ nước vào nồi nấu sôi, sau đó cho đường phèn vào. Khi đường phèn tan hết, lọc nước đường qua một miếng vải thưa. Cho nước đường vào nồi, nấu sôi, sau đó cho hỗn hợp bột đã lọc vào và khuấy liên tục. Cuối cùng cho một ít đường hoa hồng vào khuấy đều.
Công hiệu: Dưỡng âm, bổ thận, bổ âm dưỡng khí.
Chỉ định: Thích hợp cho những người bị suy thận, di tinh, di niệu.
Cháo mè đen
Nguyên liệu: Mè đen 15g, gạo tẻ 50g, đường phèn lượng thích hợp.
Cách chế biến: Mè rang thơm, giã nhuyễn. Gạo vo sạch, nấu thành cháo. Khi cháo chín thì cho mè, đường phèn vào, đợi sôi thêm một lúc. Mỗi ngày ăn một lần.
Công hiệu: Bổ gan, thận, dưỡng khí huyết.
Chỉ định: Thích hợp cho những người gan, thận suy yếu, khí huyết không đủ dẫn đến thiếu máu, bạch huyết cầu giảm, tóc bạc sớm, táo bón.
Cháo tam thất
Nguyên liệu: Tam thất 10g, gạo tẻ 50g, đường trắng lượng thích hợp.
Cách chế biến: Tam thất nghiền nhỏ thành bột. Gạo vo sạch, đổ nước vào nấu sôi. Nước sôi thì cho bột tam thất vào, nấu thành cháo. Mỗi ngày ăn 1 – 2 lần.
Công hiệu: Thông máu tan bầm, thông khí, ngưng đau.
Chỉ định: Dùng chữa những bệnh đau ngoại thương do bị nghẽn khí, tụ máu, bệnh viêm gan mãn tính, bệnh tim, đau thắt cơ tim và các di chứng sau khi bị trúng gió.
Cháo hoa cúc
Nguyên liệu: Hoa cúc 10g, gạo tẻ 50g, đường phèn lượng thích hợp.
Cách chế biến: Hoa cúc rửa sạch, đường phèn giã nhỏ. Gạo vo sạch, cho vào nồi nước nấu thành cháo. Khi cháo chín, cho hoa cúc và đường phèn vào, đợi sôi thêm một lúc. Mỗi ngày ăn một lần.
Công hiệu: Sơ phong, tan nhiệt, lọc gan, sáng mắt.
Chỉ định: Dùng cho những người bị nóng gan dẫn đến mắt đỏ, sưng đau, nhìn không rõ, bệnh nhân cao huyết áp.
Cháo đậu đen
Nguyên liệu: Đậu đen 50g, gạo tẻ 50g.
Cách chế biến: Đậu đen và gạo rửa sạch, cho vào nồi. Đổ vừa nước và nấu thành cháo. Mỗi ngày ăn một lần.
Công hiệu: Trị phong thấp.
Chỉ định: Dùng cho những bệnh về phong thấp, viêm khớp.
Trả lời