Nếu một ngày bạn phát hiện ra con mình là 1 người nghiện rượu hoặc thích được đi uống rượu cùng bạn bè nhưng bạn không biết phải làm sao. Hãy tham khảo bài viết dưới đây.
Một khách hàng đến trung tâm tư vấn của tôi để xin ý kiến về trường hợp của Dung – con gái bà. Dung đang học đại học, tửu lượng không tồi, thường xuyên tụ tập bạn bè cùng uống rượu. Một lần nọ, do uống quá nhiều, Dung đã bị ngộ độc rượu, may mắn được bạn bè đưa đến bệnh viện cấp cứu kịp thời, nên không nguy hiểm đến tính mạng.
Tuy nhiên, sau khi ra viện, Dung vẫn tiếp tục cuộc sống như trước đây, thường xuyên tụ tập cùng bạn bè uống tới khuya. Trong xã hội hiện nay, những người như Dung không phải là hiếm. Nhiều bạn nữ chịu ảnh hưởng của phim truyền hình, báo, tạp chí, truyện tranh, tiểu thuyết… nên cho rằng uống rượu là cách thể hiện cá tính mạnh mẽ.
Sau khi thử vài lần, các bạn có thể sẽ mắc nghiện và không thể tự thoát ra được. Trẻ vị thành niên đang trong giai đoạn phát triển và hoàn thiện tâm sinh lí, vì vậy, uống rượu là hành vi vô cùng có hại. Ở các nước phương Tây, tình trạng các bạn trẻ quá lệ thuộc vào rượu đang ngày càng trở nên trầm trọng.
Theo nghiên cứu của các chuyên gia Bộ Y tế Mỹ, hơn 20% trẻ trên mười bốn tuổi ở Mỹ đã từng uống rượu ít nhất một lần. Nghiên cứu của một trung tâm cai nghiện cho thấy, trong số 6.500 thanh thiếu niên tham gia cuộc khảo sát, 73% cho biết nguyên nhân họ nghiện rượu là do áp lực học tập quá lớn.
Ở Việt Nam, hiện tượng học sinh uống rượu không đến mức phổ biến, nhưng đang có xu hướng ngày càng tăng lên. Không có bà mẹ nào không thương con, nhưng rất ít người có thể thực sự theo sát hay cùng trò chuyện thẳng thắn với con về những vấn đề “nóng” trong xã hội.
Nếu phát hiện con nghiện rượu hoặc thích uống rượu, chúng ta có thể tham khảo một số cách xử lí dưới đây:
1. Tìm cơ hội nói chuyện một cách thẳng thắn
Những luồng thông tin từ truyền hình, những hành vi và suy nghĩ của thần tượng có tầm ảnh hưởng rất lớn đối với giới trẻ. Nếu con gái thần tượng một người từng công khai mình nghiện rượu, chúng ta nên tìm cơ hội thích hợp, để cùng con thảo luận thẳng thắn về vấn đề này.
Có thể hỏi con xem các bạn có uống rượu không, hiện tượng này có thường xuyên xảy ra trong các buổi họp mặt hay trong nhà trường hay không, dành nhiều thời gian kiên nhẫn lắng nghe thắc mắc hay tâm sự của con về cuộc sống, học tập, giúp con có định hướng đúng đắn hơn về tương lai.
2. Cùng trẻ thảo luận
Trẻ vị thành niên thường có diễn biến tâm lí phức tạp, lúc thì vui vẻ, một lát sau lại có thể buồn bã thất vọng. Mẹ nên tìm thời gian tâm lí trẻ bình ổn nhất, tìm địa điểm yên tĩnh nhất cùng trẻ thảo luận những vấn đề trẻ thấy khó khăn, cùng tìm giải pháp cho một tương lai tốt đẹp hơn.
3. Giáo dục trẻ về tác hại của rượu
Rượu có thể gây chứng mất trí nhớ tạm thời, ảnh hưởng đến khả năng vận động, hạn chế kĩ năng giao tiếp. Nếu trong gia đình có người bị ngộ độc rượu, có thể lấy người đó làm ví dụ thực tế để giáo dục trẻ.
4. Luôn giữ tinh thần cảnh giác
Cha mẹ nên quy định rõ thời gian sinh hoạt của trẻ, luôn nắm được địa điểm vui chơi của con. Nếu con không ở nhà, có thể dùng điện thoại để liên lạc với con. Ngoài ra, cha mẹ cũng nên giữ liên hệ mật thiết với cha mẹ của bạn bè của con.
Để lại một bình luận