Con bạn thường có những hành động chán ghét cuộc sống xung quanh, luôn thấy mọi việc thật phiền phức? Vậy thì có thể con đang cảm thấy cô độc trong cuộc sống.
Một người bạn tôi có cô con gái năm nay học lớp 11. Mặc dù đang trong độ tuổi dậy thì nhưng câu cửa miệng của con bé luôn là: “Chán lắm”, “Chả có gì thú vị cả!” Khi mẹ muốn cùng con đi mua sắm, con bé lập tức từ chối.
Khi chị họ rủ đi hát karaoke, con bé thốt lên: “Hát karaoke có gì hay đâu, chán chết đi được!”, khi người bạn thân nhất gọi điện đến, nhiều lúc con bé cũng không muốn nghe. Khi mẹ hỏi tại sao, con bé không nói gì, vào phòng đóng cửa lại.
Bạn tôi nhận xét, ở nhà, con bé khá ít nói, thường không chia sẻ với ai. Thật ra con của bạn tôi không phải là trường hợp cá biệt. Quá khép kín là chứng bệnh tâm lí mà không ít thanh thiếu niên ngày nay mắc phải.
Bước vào tuổi dậy thì, những “góc bí mật” trong tâm hồn ngày càng nhiều, nên trẻ rất muốn được chia sẻ với người khác, nhưng chúng luôn cảm thấy không thể tin tưởng ai xung quanh mình. Trong cuộc chiến nội tâm ấy, trẻ cảm thấy vô cùng đơn độc và xa cách với thế giới bên ngoài.
Ngoài ra, ở lứa tuổi này, trẻ thường có cảm giác mình đã là người lớn, nên có những suy nghĩ và hành động già trước tuổi. Lúc này, những lời dạy bảo của cha mẹ và thầy cô giáo không còn là “chân lí” như trước đây, mà trở thành những lời cằn nhằn khó chịu, mối quan hệ bạn bè cũng có sự thay đổi lớn, thường không thể chia sẻ với nhau mọi điều.
Những thắc mắc, tâm sự của lứa tuổi, trẻ không thể chia sẻ với ai, lâu dần sẽ hình thành trạng thái tâm lí tự cô lập. Đúng như E.Spranger, nhà tâm lí học người Đức đã nói: “Không gì có thể sánh được với hoài bão của một đứa trẻ khi từ trong căn phòng nhỏ của mình ngắm nhìn thế giới bên ngoài ô cửa sổ, và cũng không gì có thể sánh được với nỗi khát khao của một đứa trẻ muốn được tiếp xúc và thấu hiểu toàn bộ thế giới khi nó đang đắm chìm trong nỗi cô đơn sâu thẳm.”
Cảm giác cô độc này chính là một biểu hiện của sự phát triển ý thức về cái tôi của thanh thiếu niên. Trẻ ngày một lớn thêm, kiến thức và kinh nghiệm cũng dần được tích lũy và trở nên phong phú, mỗi đứa trẻ sẽ trở nên trưởng thành và tự tin hơn, có khả năng suy nghĩ độc lập và thường muốn giao lưu với người khác.
Để lại một bình luận