Con chán việc học tập và đạt kết quả không tốt. Bố mẹ đừng nên nóng giận và thất vọng về con. Hãy định hướng lại cho con để bé biết được bản thân cần và muốn gì.
Có một giai đoạn, con gái tôi hễ đi học về là luôn miệng kêu ca: “Suốt ngày phải nghĩ cách đối phó với các thầy cô, mệt mỏi quá!” Nghe con than phiền, tôi nói: “Nếu con học là để đối phó với các thầy cô thì tốt nhất là đừng học nữa!” Nghe tôi nói vậy, Vi ngẫm nghĩ một lúc rồi nói: “Mẹ, con sai rồi, học tập không nên vì mục đích đối phó với thầy cô”.
Có rất nhiều học sinh hiện nay có tư tưởng như con gái tôi, chúng cảm thấy thầy cô giáo luôn ở sau lưng và ép buộc chúng học cái này, học cái kia. Vì vậy, chúng học tập không phải vì bản thân nữa mà là vì cha mẹ và thầy cô giáo.
Nguyên nhân chủ yếu tạo nên hiện tượng tâm lí trên là do cha mẹ và thầy cô giáo đưa ra yêu cầu quá cao, khi thành tích của trẻ không được như ý, họ thường áp dụng những biện pháp trừng phạt mạnh tay như chép phạt, cấm chơi… khiến trẻ mất hứng thú học tập, lòng tự trọng bị tổn thương, lâu dần dẫn tới tâm lí chán học, bỏ học.
Trong việc dạy dỗ con cái, nhiều bậc phụ huynh đã áp dụng những biện pháp không phù hợp khiến “dạy dỗ” trở thành gánh nặng trên đôi vai con trẻ, điều này xuất phát từ hai nguyên nhân; thứ nhất, cha mẹ không tin trẻ có tinh thần cầu tiến, luôn cho rằng nếu mình không giám sát và quản thúc chặt chẽ, thành tích của con chắc chắn sẽ giảm sút; thứ hai là cha mẹ quá tự tin vào bản thân, luôn cho rằng biện pháp mình áp dụng là đúng và tốt cho con.
Nhưng khi bước vào tuổi dậy thì, trẻ đã không còn ngây thơ như khi còn nhỏ, chúng bắt đầu có nhiều suy nghĩ riêng. Việc học tập cũng trở nên có mục đích hơn. Nếu luôn giữ tư tưởng học vì cha mẹ, học vì thầy cô, trẻ chắc chắn sẽ không cảm nhận được niềm vui trong quá trình khám phá tri thức, dễ dẫn tới hiện tượng chán học.
Hoa – cháu gái tôi là một ví dụ điển hình. Khi lên trung học, con bé không có mục tiêu học tập rõ ràng, vì vậy thường xuyên không tập trung. Trên lớp, Hoa ngồi nghe giảng rất ngoan ngoãn và nghiêm túc, nhưng lại không tập trung tiếp thu kiến thức. Với cách học như vậy, đương nhiên thành tích không thể cao, đến cuối kì, con bé đứng gần cuối lớp.
Kì nghỉ hè, tôi đã nói chuyện với Hoa, hai bác cháu tâm sự rất lâu, từ chuyện thành tích học tập đến chuyện áp lực thi cử, ước mơ, hoài bão… Lúc bấy giờ, con bé mới nhận ra, nếu mình không cố gắng thì khó có thể thực hiện mục tiêu đã đặt ra. Cho dù không thể vào đại học, nhưng cũng cần phải có một nền tảng kiến thức vững chắc mới có thể giúp bản thân tiến gần hơn tới ước mơ.
Sau khi hiểu được muốn làm công việc mình yêu thích, trước tiên phải biết hi sinh, con bé đã nỗ lực học tập, thành tích đã có sự tiến bộ rõ rệt. Năm 2009, Hoa đã thi đậu vào một trường đại học có tiếng, bắt đầu một chặng đường học tập mới.
Những đứa trẻ trong tuổi dậy thì đã có thể ý thức được bản thân mình muốn làm gì và cần phải làm gì. Nếu bị cha mẹ ép buộc, chúng sẽ nảy sinh tâm lí phản kháng. Bởi vậy, cha mẹ nên giúp trẻ cảm nhận được niềm vui trong học tập.
Khi đã có hứng thú, trẻ tự nhiên sẽ học tập một cách chủ động, không cần người lớn giám sát và nhắc nhở. Khi thành tích không được như ý muốn, cha mẹ không nên quá nóng giận, cần bình tĩnh, giúp con định hướng lại mục tiêu học tập, động viên con nỗ lực, cố gắng thực hiện mục tiêu đã đặt ra, đó mới là cách học tập mang lại hiệu quả nhất.
Để lại một bình luận