Contents
- 1 Trà mè
- 2 Trà mè, mộc nhĩ
- 3 Nước đậu phộng (lạc), sữa đậu nành (đậu tương)
- 4 Nước nho
- 5 Cao mè đen, rong biển, mật ong
- 6 Nước hạch đào, hạt dẻ, mật ong
- 7 Trà trần bì
- 8 Nước phật thủ
8 món trà từ nguyên liệu tự nhiên mà bạn không nên bỏ qua nếu muốn dưỡng âm, bổ huyết. Công thức được thực hiện như sau.
Trà mè
Nguyên liệu: Mè đen, đường trắng mỗi thứ lượng thích hợp.
Cách chế biến: Mè đen rang thơm, giã nát, cho vào lọ. Mỗi ngày lấy 5g mè đen, thêm vào một ít đường trắng, đổ nước sôi vào, uống thay trà. Mỗi ngày uống hai lần.
Công hiệu: Dưỡng âm, bổ huyết.
Chỉ định: Dùng cho người âm huyết không đủ dẫn đến thiếu máu, táo bón.
Trà mè, mộc nhĩ
Nguyên liệu: Mộc nhĩ đen 60g, mè đen 15g, mật ong lượng thích hợp.
Cách chế biến: Cho 30g mộc nhĩ đen vào nồi, bắc lên bếp và không ngừng đảo đều. Đợi khi mộc nhĩ chuyển từ màu xám qua màu đen thì tắt bếp. Cho mè đen vào rang thơm, sau đó cho cả mộc nhĩ chín và mộc nhĩ sống vào. Đổ nước nấu sôi, sau đó để lửa nhỏ nấu khoảng 30 phút nữa. Bỏ bã, lấy nước hòa với mật ong, uống thay trà. Mỗi ngày uống một lần.
Công hiệu: Dưỡng huyết, nhuận tràng.
Chỉ định: Dùng cho người bị chứng huyết hư, ruột khô dẫn đến táo bón.
Nước đậu phộng (lạc), sữa đậu nành (đậu tương)
Nguyên liệu: Đậu phộng 15g, sữa đậu nành 1 chén.
Cách chế biến: Đậu phộng ngâm nở, bỏ vỏ, giã nát. Cho sữa đậu nành vào nồi nấu sôi, sau đó cho đậu phộng giã nát vào khuấy đều. Mỗi lần uống một chén, ngày hai lần.
Công hiệu: Dưỡng âm, bổ huyết.
Chỉ định: Dùng cho người bị âm huyết suy yếu dẫn đến ngất vì mất máu sau khi sinh, chảy mồ hôi khác thường hoặc táo bón.
Nước nho
Nguyên liệu: Nho tươi và mật ong mỗi thứ lượng thích hợp.
Cách chế biến: Nho rửa sạch, ép lấy nước. Cho nước ép vào chén, chế ít mật ong. Pha nước ép nho và mật ong với nước nóng để uống. Mỗi ngày uống 1 – 2 lần.
Công hiệu: Bổ dưỡng âm dịch.
Chỉ định: Dùng cho người bị chứng âm dịch không đủ hoặc bị bệnh nhiệt, âm bị thương tổn dẫn đến cổ khô, miệng khát, nóng toàn thân, thị lực kém, mắt không nhìn rõ, táo bón, tiểu ít.
Cao mè đen, rong biển, mật ong
Nguyên liệu: Mè đen 500g, rong biển đen 250g, mật ong lượng thích hợp.
Cách chế biến: Mè đen rang thơm, giã nát. Rong biển đen hong khô, nghiền vụn. Mật ong nấu sôi rồi cho mè đen và rong biển nâu vào, đảo đều. Đợi sôi lần nữa thì tắt bếp, để nguội rồi cho vào lọ. Mỗi ngày uống hai lần, mỗi lần hai muỗng canh, pha với nước nóng. Uống vào sáng, tối mỗi ngày.
Công hiệu: Dưỡng huyết nhuận tràng, tiêu phù.
Chỉ định: Dùng cho người bị huyết hư tràng khô, táo bón, viêm tuyến lympho, ung thư tuyến giáp trạng.
Nước hạch đào, hạt dẻ, mật ong
Nguyên liệu: Hạch đào, hạt dẻ lượng bằng nhau, mật ong lượng thích hợp.
Cách chế biến: Hạch đào, hạt dẻ bỏ vỏ, lấy phần thịt rang thơm, giã nát rồi trộn đều. Cho hỗn hợp trên vào mật ong, khuấy đều, nấu sôi, đợi nguội rồi cho vào lọ. Mỗi lần lấy 30g pha với nước nóng uống. Mỗi ngày hai lần vào sáng và tối.
Công hiệu: Bổ thận, lợi khí.
Chỉ định: Dùng cho người thận khí suy yếu dẫn đến ho, khó thở.
Trà trần bì
Nguyên liệu: Trần bì 10g, hồng trà 5g.
Cách chế biến : Trần bì thái sợi, cho vào ly cùng với hồng trà. Đổ nước sôi vào ly, để khoảng 3 – 5 phút cho ngấm rồi uống. Mỗi ngày uống một lần.
Công hiệu: Thông khí, bổ tỳ.
Chỉ định: Dùng cho người bị bệnh tỳ vị nghẽn khí dẫn đến đầy bụng, nấc nhiều lần, kém ăn, đau hai bên sườn.
Nước phật thủ
Nguyên liệu: Phật thủ 10g, mật ong lượng thích hợp.
Cách chế biến: Phật thủ thái nhuyễn, cho vào ly cùng với mật ong. Đổ nước sôi vào ly, để khoảng 3 – 5 phút cho ngấm rồi uống. Mỗi ngày uống một lần.
Công hiệu: Thông khí, bổ tỳ.
Chỉ định: Dùng cho người bị các chứng viêm gan mãn tính, viêm dạ dày mãn tính kèm với bụng trương, cứng, nấc nhiều lần, kém ăn, đau hai bên sườn.
Để lại một bình luận