Điểm môn văn của Tường Vi luôn đứng nhất nhì lớp, cô giáo thường lấy bài của Vi đọc mẫu trước lớp khiến con bé cảm thấy rất tự hào. Khi nói chuyện, con bé thường tự coi mình là thiên tài văn học.
Trước mỗi kì thi môn văn, Vi đều không quá bận tâm bởi con bé tin rằng, dựa vào năng lực và nền tảng kiến thức vững chắc, đạt điểm cao là điều rất đơn giản. Khi vào trung học, số lượng tác phẩm tăng lên rõ rệt, học sinh buộc phải đọc nhiều, học thuộc nhiều mới đạt được thành tích tốt.
Mặc dù vậy, Vi dường như vẫn chẳng mấy quan tâm. Nhưng kết quả bài thi đầu tiên môn văn lớp 10 đã thật sự khiến Tường Vi bất ngờ, điểm số của con bé ở mức trung bình, bởi đề bài yêu cầu chép lại một đoạn thơ trong bài thơ “Tây Tiến” của nhà thơ Quang Dũng, do không thuộc nên con bé chép câu nọ lẫn sang câu kia.
Khi Vi thông báo kết quả, tôi có hỏi: “Con đã nhận ra mình sai ở đâu chưa?” Con bé gật đầu lí nhí đáp: “Con đã sai rồi. Con không nên chủ quan, phải cố gắng chứ không chỉ thỏa mãn với thành công hiện tại.” Tôi nói với con, mẹ không phủ nhận trên thế giới thật sự có thiên tài.
Trong một phóng sự mẹ con mình đã từng xem, có một cậu bé sống ở vùng núi hẻo lánh, từ nhỏ đã có trí thông minh và trí nhớ siêu phàm. Chỉ cần nhìn qua con số, cậu bé có thể nhân chia cộng trừ rồi đưa ra kết quả chỉ trong ba giây. Mọi người đều nói cậu bé là thiên tài.
Sau đó, do không được học hành, không có cơ hội luyện tập và phát triển tài năng, cậu đã trở thành một người bình thường, năng lực siêu việt dần bị mai một và biến mất. Ví dụ này đã chứng minh, thiên tài cũng cần cố gắng.
Có một câu nói nổi tiếng mà có lẽ mọi đứa trẻ đều đã biết đến: “Thiên tài là 99% do nỗ lực và 1% do bẩm sinh”. Tuy nhiên, trong quá trình học tập, nhiều học sinh lại tin vào trí thông minh của mình, tin vào vận may chứ không muốn bỏ thời gian và công sức để cố gắng.
Từ những bài học đầu tiên trong cuộc đời, chúng ta đều đã được học câu: “Có công mài sắt, có ngày nên kim”, nhưng các bạn trẻ ngày nay, bản thân chưa từng chịu khổ nên chưa thể cảm nhận hết ý nghĩa thực sự của câu nói đó.
Khi phải đối mặt với khó khăn thực sự, trẻ rất dễ gục ngã và luôn có tâm lí muốn rút lui. Vì vậy, cha mẹ cần chú ý rèn luyện ý chí cho con bằng cách kể cho chúng nghe bài học về những vĩ nhân nhờ sự cố gắng nỗ lực đã đạt được thành công như thế nào.
Ví dụ như câu chuyện Edison phát minh ra bóng đèn. Bóng đèn điện là một trong những phát minh vĩ đại nhất trong thế kỉ 19. Trước đó, con người chỉ biết dùng nến, đèn dầu… để thắp sáng, nhưng nguồn sáng có phạm vi quá hẹp, cường độ không cao nên thường không đáp ứng được nhu cầu sử dụng của con người.
Edison – nhà phát minh người Mỹ – vốn không có điểm nào đặc biệt hơn những bạn bè đồng trang lứa, cậu là con của một công nhân đường sắt, phải bỏ học giữa chừng, đi bán báo trên tàu kiếm sống qua ngày. Nhưng Edison lại là người rất kiên nhẫn, ông đã làm hàng loạt thí nghiệm, tạo ra nhiều loại máy móc kì diệu và có niềm đam mê đặc biệt với điện.
Sau khi Faraday phát minh ra máy phát điện, Edison đã sáng tạo ra bóng đèn, đem ánh sáng mới đến cho toàn nhân loại. Trên cơ sở tổng hợp nhiều nghiên cứu và đúc rút kinh nghiệm từ thất bại của những người đi trước, Edison đã lên kế hoạch chi tiết và tiến hành các thí nghiệm trên hai phương diện:
Một là tiến hành thí nghiệm với hơn 1.600 loại vật liệu chịu nhiệt, hai là cải tiến thiết bị tạo môi trường chân không. Ngoài ra, ông còn tiến hành nhiều nghiên cứu về máy phát điện và nguyên lí đường truyền của điện năng. Có lẽ khi nghe đến việc làm thí nghiệm với hơn 1.600 loại vật liệu khác nhau, nhiều trẻ em ngày nay sẽ cảm thấy nản chí.
Vậy Edison đã làm như thế nào? Để chế tạo bóng đèn, mỗi ngày ông đều làm việc hơn mười giờ đồng hồ, có lúc tiến hành thí nghiệm liên tục trong nhiều ngày không nghỉ. Sau khi phát minh ra sợi carbon làm dây tóc bóng đèn, Edison tiếp tục tìm hiểu và tiến hành thí nghiệm với sợi của 6.000 loài thực vật khác nhau.
Cuối cùng đã chọn sợi tre, ông đã carbon hóa sợi tre bằng cách đem đốt nóng bằng nhiệt độ cao trong lò kín, sau đó thu được sợi than chì và đặt vào ruột bóng đèn để tăng độ chân không, nhờ vậy bóng đèn có thể sáng liên tục trong 1.200 giờ.
Sự ra đời của bóng đèn khiến cổ phiếu ngành than rớt giá 12% chỉ trong ba ngày. Chính nhờ sự kiên nhẫn và cần cù, Edison đã trở thành một trong những nhà phát minh vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại. Có thể thấy rằng, cần phải giáo dục trẻ biết chăm chỉ và cố gắng trong học tập, và việc dạy con chăm chỉ không có sự khác nhau nhiều giữa con trai và con gái.
Trước đây, chúng ta thường nghe nói khi vào trung học, đặc biệt là trung học phổ thông, trí tuệ và khả năng phản ứng của con gái thường kém hơn con trai. Đó là một kết luận vô căn cứ, con gái không thua kém con trai về trí tuệ, thậm chí còn có thêm nhiều ưu điểm như kiên nhẫn, tỉ mỉ và cẩn thận.
Nếu biết tận dụng lợi thế đó trong học tập, kết hợp với sự cố gắng nỗ lực, con gái chắc chắn sẽ đạt được thành công.
Để lại một bình luận