Chúng ta thường hay có tâm lý ngại từ chối khi được người khác nhờ vả giúp đỡ. Dù không muốn thực hiện nhưng rất ít người có thể trả lời không. Vì vậy hãy biết cách nói không khi cần thiết để bản thân cảm thấy thoải mái.
Vân – một sinh viên trẻ gửi email cho tôi tâm sự rằng em là người rất sợ cô đơn, thích giao lưu bạn bè. Khi vào đại học, thời gian rảnh rỗi nhiều, Vân tham gia rất nhiều hoạt động ngoại khóa và có nhiều mối quan hệ bạn bè.
Ban đầu, em cảm thấy rất hứng thú, nhưng sau đó không lâu, Vân bắt đầu cảm thấy mệt mỏi bởi mỗi khi bạn bè nhờ giúp đỡ hoặc rủ đi chơi, mặc dù không muốn nhưng lại không có đủ dũng khí từ chối. Nhiều lúc, Vân rất ghét tính cách nhu nhược của mình, đã có lần thử từ chối người khác nhưng sau đó lại cảm thấy áy náy.
Học kì trước, một người bạn hỏi mượn em chiếc đĩa ca nhạc của một ca sĩ nổi tiếng. Đó là chiếc đĩa Vân rất nâng niu trân trọng, không nỡ cho mượn nên đã từ chối. Hai ngày sau, khi gặp bạn tại giảng đường, Vân đã chủ động chào hỏi nhưng bạn lại quay lưng bỏ đi khiến em cảm thấy rất buồn.
Từ đó về sau, Vân luôn cố gắng đáp ứng mọi yêu cầu của bạn bè, không dám từ chối vì sợ bạn phật lòng. Vì giúp đỡ bạn bè, em đã lãng phí rất nhiều thời gian và sức lực, nhưng không dám than vãn vì sợ mất họ. Không ít bạn trẻ gặp phải rắc rối như Vân, họ luôn cho rằng từ chối sẽ khiến bạn bè xa lánh mình.
Họ không biết rằng từ chối là một kĩ năng sống quan trọng, biết cách từ chối, cuộc sống chắc chắn sẽ thoải mái và nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Các bạn gái có thể tham khảo cách làm dưới đây:
Chọn một buổi chiều đẹp trời, đến một nơi không gian thoáng đãng, tĩnh tâm nhắm mắt, tưởng tượng mình đang đi vào một căn phòng kín, trên tường có ba tấm gương:
- Tấm gương thứ nhất: “Mỉm cười” Hít thở sâu, nhìn vào gương và thả lỏng, nói: “Xin lỗi, mình…”, thái độ kiên định, ngữ khí nhẹ nhàng nhưng ngôn từ dứt khoát, tránh dùng những câu lấp lửng như: “Để mình suy nghĩ đã!” để tránh gây hiểu lầm.
- Tấm gương thứ hai: Nhẫn nại Không ai thích bị người khác từ chối. Khi đối phương tỏ ra tức giận khi bị từ chối, bạn không nên phản ứng ngay mà nên nhìn nhận ở góc độ của đối phương, nhẫn nại thuyết phục. Nên giúp người đối diện hiểu rằng, bạn từ chối lời đề nghị chứ không phải chối bỏ con người họ, không nên vì tức giận nhất thời mà đánh mất tình bạn tốt đẹp.
- Tấm gương thứ ba: Hàn gắn Sau khi từ chối, việc chúng ta có thể đưa ra những đề nghị hoặc giải pháp thay thế hiệu quả sẽ khiến đối phương cảm thấy dễ chịu hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên quá “quỵ lụy” bởi sẽ khiến người đối diện cảm thấy không thoải mái. Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi, hãy dũng cảm nói “Không” với bạn bè. Những người bạn thực sự chắc chắn sẽ không vì một lời nói “không” mà rời xa bạn, còn những người chỉ vì bị từ chối mà bỏ rơi bạn thì chắc chắn đó không phải là người bạn đáng tin cậy.
Trả lời