Khóc vốn là một cách để điều tiết tình cảm của con người. Khi cảm thấy quá áp lực, khóc là một cách hữu hiệu giúp chúng ta cảm thấy nhẹ nhõm hơn, nhưng đó không phải là “vũ khí vạn năng” để giải quyết vấn đề.
Rất nhiều giám đốc đã thổ lộ rằng họ không muốn tuyển nhân viên nữ, nguyên nhân là khi phát hiện nhân viên không hoàn thành nhiệm vụ, mới phê bình được vài câu, nhân viên đã rơi nước mắt khiến giám đốc không nỡ tiếp tục, kết quả sai vẫn hoàn sai, hiệu quả công việc không thể nâng cao.
Nếu khóc trở thành một thói quen, chúng ta sẽ trở nên yếu đuối. Điểm thi không như ý, cha mẹ mới nói vài câu đã nước mắt ngắn dài; công việc chưa hoàn thành, cấp trên vừa nhắc nhở đã sụt sịt; cãi nhau với người yêu, khóc sướt mướt… Khóc không thể giải quyết vấn đề.
Khóc có thể giúp bạn cảm thấy nhẹ nhõm hơn nhưng lại khiến người đối diện cảm thấy không hài lòng. Điều nguy hiểm nhất là khi bị “quấy rối”, bạn chỉ biết khóc lóc. Một thiếu nữ bị thầy giáo gọi đến chỗ vắng vẻ và có hành vi “quấy rối”, tuy biết đó là hành vi không lành mạnh nhưng cô bạn không dám có bất kì sự phản kháng nào.
Sau khi trở về nhà, gia đình nhận thấy tâm lí con gái có điều bất thường mới gặng hỏi, lúc này cô bạn mới khóc lóc kể lại mọi chuyện với người lớn. Một trường hợp khác, một bạn nữ khi đi xe buýt, chen chúc chật chội và bị “quấy rối” nhưng không biết phải xử lí thế nào, chỉ biết đứng im chịu đựng. Sau khi xuống xe, càng nghĩ càng thấy sợ hãi nên đã òa khóc nức nở.
Có rất nhiều trường hợp tương tự như ví dụ trên xảy ra xung quanh chúng ta, nhiều bạn nữ khi gặp những tình cảnh đó đều không biết xử lí ra sao, chỉ biết khóc. Khóc không thể giải quyết được vấn đề mà ngược lại sẽ trở thành điểm yếu của con người.
Khóc là biểu hiện của sự nhu nhược, là hành động của những người yếu đuối. Trong xã hội hiện nay, mỗi người đều phải chịu nhiều áp lực khác nhau. Khi gặp khó khăn, khóc lóc không khiến chúng ta giành được sự đồng tình của người đối diện mà chỉ khiến họ cảm thấy khó chịu.
Vì vậy, cha mẹ nên giúp trẻ rèn luyện tính kiên cường, chịu đựng khó khăn thử thách trong cuộc sống. Khi gặp khó khăn, cần bình tĩnh xử lí, không nên dùng cách khóc lóc để giải quyết vấn đề. Con gái chịu ảnh hưởng rất lớn từ gia đình, nếu mẹ là người yếu đuối thì chắc chắn tính cách của con gái cũng bị ảnh hưởng.
Nếu tính cách trẻ khá yếu đuối, cha mẹ có thể khuyến khích chúng đọc nhiều sách báo, học hỏi kinh nghiệm từ người xung quanh để có thể xử lí được khi sự cố xảy ra. Đặc biệt, với những vấn đề liên quan đến giới tính, nên dạy trẻ tình huống nào nguy hiểm, khi nào nên chú ý đề cao cảnh giác, khi sự cố xảy ra nên xử lí như thế nào…
Đương nhiên, việc rèn luyện kĩ năng cảnh giác không phải là nghi ngờ tất cả mọi người xung quanh bởi không phải ai cũng là người xấu. Quá lo sợ hay xa lánh người khác cũng là những triệu chứng tâm lí bất thường, có cách xử lí thích hợp với từng hoàn cảnh là điều quan trọng nhất.
Trả lời