Contents
- 1 Nước cà chua và lê
- 2 Cao tam tử, hà thủ ô
- 3 Cao địa hoàng, ngó sen, lê
- 4 Trà tam hoa
- 5 Nước đại hoàng, mật ong
- 6 Cao nhân trần, mật ong
- 7 Cao hổ trượng mật ong
Những thức uống mà Meosuckhoe.net giới thiệu tới bạn sẽ giúp bạn bổ sung chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe. Hãy xem chúng là những thức uống gì.
Nước cà chua và lê
Nguyên liệu: Lê và cà chua mỗi thứ 1 quả, mật ong 30g.
Cách chế biến: Lê và cà chua rửa sạch, gọt vỏ, ép lấy nước. Cho mật ong vào nước ép, khuấy đều rồi uống. Hoặc có thể nấu lê và cà chua lấy nước cốt, cho mật ong vào uống.
Công hiệu: Dưỡng âm, trị khô.
Chỉ định: Dùng cho bệnh âm suy, phổi khô hoặc ho khan.
Thành phần dinh dưỡng: Trong cà chua có chứa rất nhiều vitamin, carotine, acid nicotinic, acid malic, acid citric, calci, phospho, sắt…, có khả năng hạ huyết áp, giảm sự thẩm thấu mao mạch.
Các nhà khoa học Mỹ đã nghiên cứu và phát hiện: Muối sinh vật do cholesterol sản sinh ra có mối liên kết với các cellulose thô trong cà chua và thông qua hệ thống tiêu hóa để thải ra ngoài cơ thể, từ đó làm cho lượng cholesterol trong máu giảm đi. Lycopene trong cà chua là chất chống oxy hóa, có thể ngăn ngừa các gốc tự do làm đông cứng, tắc nghẽn mạch máu, đồng thời làm giảm mật độ lipoprotein.
Cao tam tử, hà thủ ô
Nguyên liệu: Hà thủ ô, cẩu kỷ tử, tang châm tử, nữ trinh tử mỗi thứ lượng thích hợp, một ít mật ong.
Cách chế biến: Đem các loại thuốc trên nấu lấy hai lần nước. Đổ chung hai lần nước vào, khuấy đều, cho mật ong vào. Nấu trên lửa lớn đến khi sôi là được. Mỗi lần lấy 20ml pha với nước nóng. Uống ngày hai lần.
Công hiệu: Dưỡng huyết, nhuận tràng, lợi gan, bổ thận.
Chỉ định: Dùng cho người gan, thận yếu âm dẫn đến tóc bạc sớm, lưng đau, gối mỏi, thị lực kém, nhìn không rõ và bị táo bón.
Cao địa hoàng, ngó sen, lê
Nguyên liệu: Địa hoàng tươi 250g, ngó sen tươi, lê tươi mỗi thứ 1kg, mật ong lượng thích hợp.
Cách chế biến: Lê rửa sạch, ép lấy nước. Cho bã lê, địa hoàng và ngó sen tươi vào, nấu lấy nước cốt. Đổ nước vào nấu thêm lần nữa, sau đó trộn hai lần nước lại, nấu sôi trên lửa lớn. Khi nước đang sôi, cho nước ép lê và mật ong (bằng lượng nước ép lê) vào, khuấy đều, đợi sôi trở lại thì tắt bếp. Để nguội rồi cho vào lọ. Mỗi lần dùng 20ml pha với nước nóng, uống ngày 2 – 3 lần.
Công hiệu: Dưỡng âm, nhuận phổi.
Chỉ định: Thích hợp cho người bị chứng thiếu âm, khô phổi, phổi kết hạch, ho, đờm ít khó khạc, dịch đờm đặc, đau tức ngực, ngứa cổ.
Trà tam hoa
Nguyên liệu: Kim ngân hoa, hoa cúc mỗi thứ 10g, hoa đậu ván 2 đóa, hồng trà 2g.
Cách chế biến: Đem kim ngân hoa, hoa cúc và hoa đậu ván rửa sạch, cho vào ly cùng với hồng trà. Đổ nước sôi vào, đợi khoảng 3 – 5 phút cho ngấm rồi uống. Mỗi ngày uống một lần.
Công hiệu: Thanh nhiệt, giải độc.
Chỉ định: Dùng cho người bị nhiệt độc trong cơ thể, dẫn đến hoa mắt chóng mặt, hơi thở có mùi hôi, mắt đỏ, táo bón, tiểu ít.
Nước đại hoàng, mật ong
Nguyên liệu: Đại hoàng tươi 10g, mật ong lượng thích hợp.
Cách chế biến: Đại hoàng thái lát, cho vào ly cùng với mật ong. Đổ nước sôi vào, đợi khoảng 3 – 5 phút cho ngấm rồi uống. Mỗi ngày uống một lần.
Công hiệu: Thanh nhiệt, bổ máu, hoạt huyết, tan bầm.
Chỉ định: Dùng cho người bị các chứng cao huyết áp, mỡ cao trong máu, gan nhiễm mỡ, kèm theo bụng trương, cứng, đau hai bên sườn, táo bón, tiểu ít và bị thấp nhiệt vàng da.
Thành phần dinh dưỡng: Đại hoàng chủ yếu có chứa chất phát sinh anthraquinone, phần lớn ở trạng thái kết hợp, là thành phần hữu hiệu giúp hạ tả, làm tăng độ căng, tăng nhu động ở phần giữa và phần cuối kết trạng, đồng thời gây trở ngại cho việc hấp thu các chất dinh dưỡng ở ruột. Ngoài ra, đại hoàng còn có tác dụng lợi mật, cầm máu, bảo vệ gan, lợi tiểu, giảm béo.
Chú ý:
1. Cần cẩn thận khi dùng đại hoàng.
2. Phụ nữ có thai, trong thời kỳ kinh nguyệt, hoặc trong thời kỳ cho con bú không nên dùng.
3. Người đang bị táo bón cũng không nên dùng.
Cao nhân trần, mật ong
Nguyên liệu: Nhân trần 500g, mật ong 200g.
Cách chế biến: Nhân trần rửa sạch, nấu lấy hai lần nước. Bỏ bã và trộn hai lần nước với nhau, nấu trên lửa lớn. Khi nước sôi thì tắt bếp, để nguội rồi cho vào lọ. Mỗi ngày hai lần, mỗi lần 20ml, pha với nước nóng.
Công hiệu: Bổ gan, thanh nhiệt.
Chỉ định: Dùng cho người bị viêm gan mãn tính, thấp nhiệt vàng da, gan nhiễm mỡ, mỡ cao trong máu.
Thành phần dinh dưỡng: Nhân trần có chứa capillen, capillon, có tác dụng thúc đẩy mật tiết dịch, bảo vệ gan, hạ huyết áp, lợi tiểu, giảm cholesterol và lipoprotein, ngăn ngừa tích tụ mỡ ở thành mạch máu.
Cao hổ trượng mật ong
Nguyên liệu: Hổ trượng 500g, mật ong 200g.
Cách chế biến: Hổ trượng nấu lấy hai lần nước, bỏ bã, trộn chung hai lần nước và nấu trên lửa nhỏ. Cho mật ong vào, khi sôi thì tắt bếp, để nguội rồi cho vào lọ. Mỗi ngày hai lần, mỗi lần 20ml, pha với nước nóng uống.
Công hiệu: Thông gan, thanh nhiệt. Chỉ định: Dùng cho bệnh nhân viêm gan mãn tính, thấp nhiệt vàng da, gan nhiễm mỡ, mỡ cao trong máu, bụng trương, cứng, đau hai bên sườn, tiểu ít, đi tiểu khó.
Thành phần dinh dưỡng: Trong hổ trượng có chứa glucozit, emodin có tác dụng hạ tả, tiêu đờm, ngừng ho, giảm đau, ức chế vi khuẩn và chất độc gây bệnh
Để lại một bình luận