Nhiều người thường có suy nghĩ học tốt không bằng lấy chồng tốt, vì họ thấy rằng rất nhiều người thân, bạn bè của mình sau khi học xong ra trường thường thất nghiệp, khó lấy chồng. Hoặc họ lấy chồng có địa vị, học thức kém hơn. Vậy liệu suy nghĩ như vậy có đúng không?
“Học giỏi, chức vụ cao không bằng lấy được chồng tốt”. Đó là phương châm của không ít nữ sinh và các bà mẹ có con gái. Hằng – con gái của một người bạn tôi sau khi thi trượt đại học đã quyết định dồn hết tâm trí vào việc tìm một đối tượng lí tưởng để kết hôn.
Khi tôi hỏi tại sao lại có suy nghĩ như vậy, Hằng trả lời, một người chị họ của Hằng tốt nghiệp trường danh tiếng, làm việc trong một công ty lớn, được mọi người trong gia đình hết sức kì vọng, nhưng cuối cùng lại chấp nhận lấy một anh chồng học lực kém, sự nghiệp bình thường, thu nhập thấp.
Mọi người đều nói chị đã chọn nhầm người, lấy chồng như vậy thực không xứng. Rút kinh nghiệm từ chị, Hằng cho rằng học hành, sự nghiệp không quan trọng bằng hôn nhân. Dưới động lực của mục tiêu “vĩ đại” này, Hằng lao vào công cuộc tìm kiếm đức lang quân như ý.
Tư tưởng của Hằng khiến tôi vô cùng ngạc nhiên. Hằng nói: “Con gái mà học nhiều quá, sau này sẽ rất khó khăn. Thứ nhất, tuổi xuân có thì, thời kì “vàng son” để tìm kiếm tình yêu rất ngắn ngủi, nếu chỉ chúi đầu vào sách vở có thể sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội tốt. Thứ hai, đa số đàn ông đều không muốn vợ mình có học lực quá cao và quá ưu tú.
Hiện nay, không ít nữ thạc sĩ, nữ tiến sĩ khi đi xem mặt đều phải cố gắng giấu học hàm của mình để nâng tỉ lệ hẹn hò thành công. Chị của cháu cũng do học lực quá cao, công việc quá tốt nên mới gặp khó khăn trong việc tìm đối tượng thích hợp. Mãi mới tìm được một người hợp ý thì học lực lại thấp, thu nhập không cao, chức vụ tầm thường.
Hơn nữa, hiện nay rất nhiều sinh viên mới ra trường thất nghiệp, đặc biệt là sinh viên nữ, vì thế cháu cho rằng thi đại học, có công việc tốt không bằng lấy được một người chồng như ý.” Con gái có tư tưởng như vậy, một phần là do áp lực từ phía gia đình, nhưng nguyên nhân chính là do nhân sinh quan lệch lạc. Hiện nay, không ít phụ nữ gửi gắm hạnh phúc cuộc đời mình cho nam giới.
Theo họ, con gái chỉ cần tìm được một người chồng như ý, ở nhà cai quản gia đình là đủ, còn những chuyện khác không cần quá để tâm. Tuy nhiên, muốn tìm đối tượng vừa có tài vừa có tiền như vậy, không phải là dễ. Câu nói “nồi nào úp vung nấy” có thể hiểu theo một khía cạnh là, mỗi tầng lớp đều có phạm vi giao tiếp nhất định, muốn quen biết những người đàn ông có quyền, có tiền, trước tiên chúng ta cần phải bước được vào phạm vi giao tiếp của họ.
Nếu không có năng lực hay địa vị, làm cách nào để gặp những người đàn ông ưu tú đó? Một người phụ nữ trang điểm và ăn mặc đẹp tất nhiên cuốn hút hơn so với người phụ nữ bình thường, hoặc có một khuôn mặt trời phú vô cùng xinh đẹp, một thân hình hoàn mỹ cũng có thể khiến nam giới mê mẩn.
Vấn đề là tỉ lệ người may mắn như vậy rất ít, thêm vào đó, cho dù có tìm được một “đức lang quân” như ý, bạn có chắc chắn là mình sẽ duy trì được lợi thế về ngoại hình mãi mãi? Nếu không có kiến thức và một tâm hồn phong phú, bạn lấy gì để giao lưu với người bạn đời ưu tú của mình?
Đem tuổi xuân, hạnh phúc cả đời đặt lên một người đàn ông là điều vô cùng nguy hiểm, chi bằng hãy tự “trang bị” kiến thức cho bản thân, có cuộc sống và sự nghiệp riêng. Học thức là giá trị của phụ nữ, là “ bảo hiểm” cho cuộc sống sau này.
Đường đời rất dài, tiền bạc có thể mất đi, quyền lực có thể tiêu tán, tuổi xuân có thể phai mờ, nhưng kiến thức có thể giúp bạn duy trì cuộc sống. Phụ nữ nên tự nắm bắt vận mệnh của mình, không nên lệ thuộc quá nhiều vào đàn ông.
Để lại một bình luận