Một bà mẹ đến trung tâm và chia sẻ với tôi, con gái bà không biết phép lịch sự, ví dụ khi vào phòng người khác thường không gõ cửa, nói chuyện với người lớn thường không dùng từ ngữ lễ phép, không biết nói “Xin mời”, “Xin lỗi”, “Cảm ơn”, đến nhà người khác thường tự nhiên lục đồ ăn khi chưa hỏi và chưa nhận được sự đồng ý của chủ nhà.
Thực tế, do học theo những nhân vật trong phim ảnh, hay xuất phát từ tâm lí muốn hòa nhập với các bạn khác giới, nhiều nữ sinh thường có hành vi, lời nói không phù hợp. Chúng cho rằng đó là cách thể hiện “cá tính” và “độc đáo”, chúng không biết rằng cách cư xử thô lỗ khiến chúng trở thành người bất lịch sự và thiếu nữ tính.
Giáo dục con gái về phép lịch sự là nhiệm vụ quan trọng của cha mẹ, đặc biệt là người mẹ. Mẹ nên giải thích cho con hiểu, một người con gái lịch sự mới thu hút được sự chú ý của người khác. Khi lịch sự trở thành thói quen, sẽ hình thành nên khí chất. Chúng ta có thể tham khảo những cách dưới đây:
1. Sử dụng từ ngữ một cách lịch sự, kể cả khi ở nhà.
Dù ở nhà hay ra ngoài, nên khuyến khích trẻ sử dụng các từ ngữ lịch sự như mời chào, cảm ơn, xin lỗi. Ở nhà, khi con mời, cha mẹ nên nói cảm ơn. Nhiều cha mẹ đưa con ra ngoài thường nhắc con dùng từ lịch sự, nhưng ở nhà lại quên không đặt ra quy định này.
Đó là phương pháp giáo dục sai lầm, bởi phép lịch sự và khí chất không nên chỉ thể hiện ngoài xã hội. Mẹ nên đưa ra những yêu cầu đồng nhất đối với con dù ở bất cứ đâu. Ngoài ra, mẹ cũng nên biết, hành vi lời nói của mình có ảnh hưởng rất lớn đến con.
Bạn tôi là một bà mẹ điển hình cho sự thành công khi đã nuôi dạy được một cô con gái, mà theo đánh giá của nhiều người là vừa ngoan hiền vừa lễ phép. Khi tâm sự về kinh nghiệm dạy con, bạn tôi chia sẻ:
“Lần đầu tiên nghe thấy con nói bậy, mình thật không dám tin vào những gì mình nghe thấy. Mình kiểm điểm lại hành vi, lời nói và phát hiện một lần mình đã vô ý nói bậy, điều này ảnh hưởng lớn tới con bé. Từ đó trở đi, mình bắt đầu chú ý hơn về lời nói và hành động, bắt đầu chú ý sử dụng những từ như “mời, cảm ơn, xin lỗi…”
Ít lâu sau, mình phát hiện con gái cũng bắt đầu ăn nói lễ phép hơn: “Mẹ ơi, mẹ lấy hộ con bộ quần áo được không ạ?” thay vì nói “Mẹ, lấy cho con quần áo, nhanh nhanh lên!” như trước đây. Không chỉ vậy, khi được mình mua cho quần áo hay tặng quà con bé đã biết nói: “Con cảm ơn mẹ ạ!”
Bây giờ dù là ở nhà hay ở ngoài, mình không cần phải lo lắng về cách ăn nói hay cư xử của con nữa. Thầy cô giáo, bạn bè hay họ hàng đều khen con bé lễ phép và lịch sự”.
Ở tuổi dậy thì, tâm sinh lí của trẻ chưa phát triển hoàn chỉnh, chúng chưa có khả năng phân biệt đúng, sai, tốt, xấu, vì vậy thường lấy bố mẹ làm đối tượng bắt chước và học tập theo, do đó, chúng ta phải cố gắng điều chỉnh hành vi lời nói, để trở thành tấm gương sáng cho con noi theo.
2. Giáo dục tự nguyện
Trẻ vị thành niên giống những đóa hoa đang hé nở, cha mẹ nên bồi dưỡng chứ không ép buộc. Nếu cha mẹ ép buộc, trẻ sẽ phải dùng những từ ngữ lễ phép nhưng không biết tại sao, bề ngoài có vẻ trẻ tuân thủ, nhưng hiệu quả không lâu dài và bền vững.
Vì vậy, tốt nhất là cha mẹ không nên ép buộc mà phải hướng dẫn một cách tỉ mỉ và nhẹ nhàng, để trẻ nhận ra rằng lịch sự giúp con người trở nên hoàn thiện hơn. Khi trẻ không muốn nói chuyện, cha mẹ cũng không nên ép, có thể đợi đến thời điểm thích hợp để thuyết phục và khuyên giải.
3. Thay đổi góc độ để suy nghĩ
Khi không thể thuyết phục trẻ, chúng ta có thể yêu cầu chúng suy nghĩ ở những góc độ khác nhau. Ví dụ, trường hợp trẻ thích ngắt lời người khác đang nói, hoặc ăn nói thiếu suy nghĩ, nếu chúng ta lập tức nhắc nhở và giáo huấn, chắc chắn sẽ phản tác dụng, chi bằng áp dụng cách “gậy ông đập lưng ông”, tức là cố tình ngắt lời khi chúng đang nói, nói những câu khiến chúng khó xử.
Như vậy, tự trẻ sẽ trải nghiệm được cảm giác khó chịu khi bị người khác ngắt lời và chen ngang, từ đó sẽ hạn chế phạm những sai lầm tương tự. Khi trẻ học được cách suy nghĩ từ nhiều góc độ khác nhau, giáo dục về lễ phép và lịch sự không còn là một vấn đề khó khăn nữa.
Những người lịch sự và lễ phép thường được người khác yêu mến. Trở thành người lịch sự không khó, chỉ cần chú ý, đặc biệt là những chuyện nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống, dần dần sẽ hình thành thói quen tốt, hoàn thiện kĩ năng giao tiếp.
Để lại một bình luận